TPHCM:
5 giờ “nghẹt thở” giải cứu cầu Bình Lợi
(Dân trí) - Đúng 5h30, chiếc tàu lai dắt bắt đầu tăng ga kéo sà lan từ gầm cầu Bình Lợi. Những tiếng rắc rắc liên tục phát ra khiến những người có mặt không dám thở mạnh. Rồi ai nấy thở phào nhẹ nhõm khi chiếc sà lan bung ra khỏi gầm cầu…
Vụ tai nạn đường thủy xảy ra vào 0h30 ngày 15/4, chiếc đầu kéo mang BS LA-03797 kéo theo sà lan mang số hiệu SG-4991 có trọng tải 990 tấn do tài công Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi, ngụ Long An) cầm lái, lưu thông từ hướng Bình Dương về TPHCM.
Khi đến khu vực cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) thì xảy ra sự cố. Chiếc sà lan vừa chui qua được 2/3 thì 4 trụ đứng dùng làm các cửa thông xuống khoang nằm ở phần đuôi bị kẹt cứng vào các thanh dầm chống đỡ cho đoạn đường sắt trên cầu Bình Lợi. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi đoạn đường sắt giữa cầu bị sà lan đội lên cao hơn mặt bằng bình thường 1cm.
Lúc này Ban quan lý đường sắt trạm đóng tại cầu Bình Lợi lập tức thông báo tạm dừng tất cả các chuyến tàu lưu thông qua đây trước khi sự cố chưa được khắc phục. Nhận thấy khả năng tự khắc phục của chủ sà lan là không thể, trong khi đó nước thủy triều càng lúc càng dâng cao và chảy xiết, nhân viên công ty quản lý đường sắt đã báo cáo vụ việc lại với CSGT đường thủy nhờ can thiệp.
Khoảng 1h sau, lực lượng CSGT đường sông đã tiến hành lập biên bản nhưng do tính chất khá nghiêm trọng nên đã yêu cầu sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp thuộc Sở Cảnh sát PCCC Công an TPHCM.
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc đội cứu hộ cứu nạn, các phòng cảnh sát PCCC của các quận Bình Thạnh, quận 9, trên sông… và đủ các loại công cụ cần thiết phục vụ cho công tác “giải cứu” cầu Bình Lợi được đưa đến hiện trường.
Trắng đêm kéo sà lan khỏi gầm cầu
Tiếng bước chân chạy rầm rập, tiếng máy cắt gió đá, tiếng búa đập, tiếng máy bơm gầm… tạo nên một mớ âm thanh dồn dập, khẩn trương, vang cả trên mặt cầu lẫn dưới lòng sông.
Xác định việc giải cứu cầu Bình Lợi, nối lại tuyến giao thông đường sắt huyết mạch là hết sức cấp bách, một cuộc họp khẩn cấp của các đơn vị tham gia cứu hộ cứu nạn dưới sự chỉ đạo của Đại tá Lê Tấn Bửu - PGĐ Sở Cảnh sát PCCC TPHCM diễn ra chớp nhoáng. Điểm mấu chốt của vụ việc được xác định kèm theo đó là phương án giải cứu cầu Bình Lợi nhanh chóng được thành lập.
Lực lượng chỉ huy cứu hộ cứu nạn xác định điểm cẩn giải quyết là 4 trụ đứng nằm phía sau của chiếc sà lan. Lập tức các loại máy cắt sắt, thép bằng gió đá được vận dụng. Đồng thời một số đơn vị nghiệp vụ khác tiếp cận 2 mạn của sà lan cắt những ô trống sát mặt sông để nước tràn vào.
Bên cạnh đó, 1 trạm bơm công suất lớn, 6 máy bơm và nhiều xe cứu hỏa được huy động để đưa nước vào các khoang của sà lan nhằm tăng trọng lượng kéo chìm phần đuôi. Phía trước một tàu lai kéo luôn túc trực để hỗ trợ kéo xa lan nhích ra từng centimet. Với trọng tải khá lớn cộng với việc chiếc sà lan không chở hàng nên giai đoạn đưa nước vào trong các khoang hết sức gian nan.
Vòng ngoài, một ban chỉ huy cũng được thành lập để điều tiết giao thông. Tất cả các phương tiện bị cấm qua lại khu vực đang giải cứu. 5 đoàn tàu được lệnh dừng khẩn cấp tại Ga Sài Gòn, Bình Triệu và Sóng Thần.
Đến 5h30 sáng ngày 15/4, 4 trụ sắt phía sau sà lan được cắt bằng, lượng nước đưa vào khoang đã đủ. Giây phút quyết định đã đến, chiếc tàu lai dắt bắt đầu tăng ga kéo sà lan từ gầm cầu Bình Lợi. Những tiếng rắc rắc liên tục phát ra khiến những người có mặt tại hiện trường không dám thở mạnh. Tiếng cười, những cái bắt tay và một hơi thở phào nhẹ nhõm chỉ hiện lên khi chiếc sà lan bung ra khỏi gầm cầu.
Rất may, sự cố sà lan “đội” đường sắt trên cầu không gây hậu quả nghiêm trọng nên ngay sau đó chuyến tàu SE1 chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn đã có thể chuyển bánh qua cầu Bình Lợi vào lúc 6h sáng nay. Tuy nhiên sự cố trên đã làm các chuyến tàu sai lịch trình nhiều giờ đồng hồ.
Chiếc sà lan mắc kẹt giữa cầu Bình Lợi
Không khí hết sức khẩn trương.
Cuộc họp khẩn cấp diễn ra ngay trên cầu
Tất cả cùng nỗ lực vì một mục tiêu giải cứu tuyến đường sắt huyết mạch sớm nhất có thể
Gần 6h sáng, chiếc sà lan có sức chở gần ngàn tấn được kéo bung ra khỏi gầm cầu
Trung Kiên