1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

48 người chết và mất tích trong mưa lũ

(Dân trí) - Những cơn mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đang giảm dần nhưng đã để lại một con số thiệt hại lớn về người và của cho bà con các tỉnh trung và nam Trung Bộ. Đến nay đã có 42 người chết và 6 người mất tích trong những cơn lũ dữ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có số người chết nhiều nhất, lên tới 11 người; tiếp đến là: Quảng Nam 8 người, Quảng Ngãi 8 người, Phú Yên 7 người, Bình Định 3 người, Quảng Trị 2 người, Quảng Bình 1 người, Đà Nẵng 1 người, Khánh Hoà 1 người.  

Ngoài thiệt hại về người, tỉnh Quảng Ngãi có trên 50.000 ngôi nhà bị ngập thuộc các huyện Tây Trà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi. Tại tỉnh Bình Định đã có 20.000 nhà dân thuộc các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân, Phù Mỹ và thành phố Quy Nhơn bị ngập sâu 0,5 đến 2m. 

Tắc đường nhiều tuyến

Tại tỉnh Phú Yên nhiều tuyến đường ở thành phố Tuy Hoà đã bị ngập sâu 0,5 đến 1,0m. Các tuyến từ tỉnh đến các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Xuân Hoà cũng bị nước chia cắt.

Đường sắt bị sạt lở tại đèo Cả và đèo Cổ Mã nên các đoàn tàu hoả bị tắc tại ga Đại Lãnh, đến 10 giờ ngày 4/11 đã khắc phục xong. Tuy nhiên, đến 20 giờ ngày 4/11, tại Km 1134+510 nền đường sắt bị sụt sâu 5,0m, dài 9m gây ách tắc đường sắt. 

Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả và đèo Cù Mông (đoạn qua xã Xuân Lộc, huyện sông Cầu, Phú Yên) bị sạt mái taluy dương, đã được khắc phục tạm thời tránh ách tắc giao thông.

48 người chết và mất tích trong mưa lũ - 1

Những bến đò tự phát tại những vùng nước ngập, giao thông đường bộ bị chia cắt. Ảnh chụp tại huyện Phù Cát, Bình Định. (Ảnh: Lê Mỹ)

 
Trợ cấp lương thực cho đồng bào vùng lũ

Hiện tại, các tỉnh đang huy động lực lượng để khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp 650 tấn gạo và 40 tấn mì tôm (trong 1.000 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ) để cấp phát cho các huyện bị ngập.

Tỉnh Quảng Trị đã phân bổ 500 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ đến các huyện thị bị ngập, trích ngân sách địa phương mua 15 tấn mỳ tôm hỗ trợ 3 huyện Hải Lăng, Triệu Phong và DaKrong.

Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp khắc phục, giải quyết ách tắc đường bộ, đường sắt, thông tin liên lạc. 

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình 2771/TTr-UBND ngày 4/11, đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm 700 tấn gạo để cứu trợ nhân dân; 500 cơ số thuốc để xử lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh; 500 tấn thóc giống, 2 tấn hạt rau giống và 50 tỷ đồng khắc phục thiệt hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng. 

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị hỗ trợ 500 tấn gạo để giải quyết cho dân trong vùng ngập lũ, hóa chất và thuốc men để xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh.

UBND tỉnh Phú Yên có công văn số 2017/UBND-KTXD ngày 4/11 đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khôi phục giao thông (bao gồm quốc lộ 1A, đường sắt thống nhất) qua địa bàn tỉnh Phú Yên.

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn gạo và 100.000 thùng mỳ tôm, 500 cơ số thuốc nếu mưa lũ còn tiếp tục kéo dài. 

Nguồn tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ cho biết, trong 2 - 3 ngày tới, ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên mưa giảm dần đến ít mưa.

Đến giữa tuần (từ 8/11), do ảnh hưởng của mưa bão số 6, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên lại. Do đó, tình hình sạt lở đất và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng ven sông vẫn còn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. 

An Hạ