1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

400 đại biểu tham dự Đại hội Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trong hai ngày 11 và 12/10, tại Hà Nội hơn 400 linh mục, tu sỹ và giáo dân tiêu biểu sẽ tham dự Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII.

Theo ông Vũ Thành Nam, Chánh Văn phòng Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Người Công giáo Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần VIII (nhiệm kỳ 2023-2028), sẽ diễn ra trong 2 ngày 11-12/10 tại Hà Nội, với sự tham dự của 400 đại biểu chính thức là linh mục, tu sĩ và giáo dân đại diện đồng bào Công giáo cả nước.

Dự Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) còn có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số ban, ngành và tôn giáo bạn.

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023; tìm ra nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo giai đoạn 2023-2028; tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam,...

Đại hội hiệp thương cử các vị linh mục, nữ tu và giáo dân có đủ năng lực, uy tín, điều kiện để tham gia Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2023-2028); biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ qua; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sống "tốt đời, đẹp đạo".

400 đại biểu tham dự Đại hội Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - 1

Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam chủ trì họp báo diễn ra vào ngày 4/10 (Ảnh: Đình Hiệp).

Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ vừa qua, đời sống vật chất của đồng bào công giáo không ngừng được cải thiện, bộ mặt các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Nổi bật trong đó phải kể đến phong trào thi đua yêu nước, sống "tốt đời đẹp đạo" của đồng bào công giáo đã phát triển rộng khắp.

Trong đó, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả, các mô hình tập trung chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất để nâng cao giá trị và sản lượng hàng hóa; phát triển ngành nghề truyền thống với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.

Nhiều doanh nghiệp do người công giáo làm chủ đã đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh và khẳng định được trên thị trường, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm và tham gia hoạt động từ thiện…

Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ ở địa phương, nhiều linh mục, dòng tu đã mời gọi các y, bác sĩ ở bệnh viện tuyến Trung ương về khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các giáo xứ, không phân biệt lương, giáo.

Tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, thành phố 5 năm (2017-2022): Quỹ "Vì biển đảo Việt Nam", "Vì người nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xây nhà đại đoàn kết",... tổng cộng quy đổi thành tiền khoảng 2.013 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các dòng tu đã tổ chức và điều hành lớp học tình thương để nuôi dạy các cháu khiếm thính, khiếm thị, trẻ em mồ côi. Các trường dạy nghề cũng được tu sỹ, linh mục đặc biệt quan tâm.

Một số cơ sở, hội dòng mở lớp lưu trú cho học sinh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các em có cơ hội được học hành...