4 nhà đầu tư nước ngoài đang kiện Chính phủ Việt Nam
(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho biết đang thực hiện nhiệm vụ ”đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong 4 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ tại Hội đồng Trọng tài quốc tế.
Đó là một trong những thông tin đáng chú ý vừa được Bộ Tư pháp đưa ra trong dự thảo báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các Bộ ngành, địa phương.
Theo Bộ Tư pháp, 4 nhà đầu tư nước ngoài gồm Recofi, TVB, Sài Gòn Metropolitant, Sezako đã kiện Chính phủ Việt Nam tại Hội đồng Trọng tài Quốc tế. Hiện nay Bộ Tư pháp đang thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện này.
Bộ Tư pháp cho biết một số địa phương cũng đã tích cực tham gia vào giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, điển hình như TPHCM đã xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc tham gia giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài tại TPHCM.
Liên quan đến các vụ kiện Chính phủ, cuối năm 2014, Bộ Tư pháp cho biết Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TPHCM. Theo đó, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ; mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài UNCITRAL. Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho nguyên đơn DialAsie bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện.
“Đây là thắng lợi thứ hai của Chính phủ Việt Nam sau thắng lợi của vụ kiện South Fork đã có phán quyết vào tháng 12/2013. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang là bị đơn trong một loạt các vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang đe dọa kiện Chính phủ Việt Nam thì thắng lợi trong vụ kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”- ông Trần Tiến Dũng, người phát ngôn kiêm Chánh văn phòng Bộ Tư pháp nói trong cuộc họp báo vào tháng 12/2014.
Hồi tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thắng một vụ kiện quốc tế (Ảnh minh họa).Mới đây, hồi tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng đã phát đi thông báo cho biết Hội đồng Trọng tài Quốc tế đã đứng về phía Petrovietnam trong vụ tranh chấp về ưu đãi thuế theo Hợp đồng phân chia sản phẩm. Trong phán quyết trọng tài ban hành ngày 22/5, một Hội đồng Trọng tài Quốc tế được thành lập theo Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế ICC gồm các trọng tài viên hàng đầu thế giới là ông Gary Born (Chủ tịch Hội đồng Trọng tài), ông David A. R. Williams QC và ông Yves Derains đều nhất trí với quan điểm của Petrovietnam trong một vụ tranh chấp lớn về ưu đãi thuế theo hợp đồng phân chia sản phẩm liên quan đến một mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Hội đồng Trọng tài bác bỏ toàn bộ các yêu cầu khởi kiện chống lại Petrovietnam và buộc các nhà thầu nguyên đơn phải bồi hoàn toàn bộ phần phí trọng tài mà Petrovietnam đã ứng trước.
“Nợ đọng” văn bản gia tăng
Theo ước tính của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 22.590 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện 441 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (giảm 312 văn bản so với 6 tháng đầu năm 2014). Riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.542 văn bản và phát hiện 13 văn bản vi phạm về nội dung, thẩm quyền (giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2014).
Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục có hiệu quả, thậm chí, số lượng văn bản “nợ đọng” tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014. Đến hết tháng 6/2015 có tới 55 văn bản “nợ đọng”, tăng 5 văn bản so với cùng kỳ năm 2014; từ ngày 1/7/2015 có thêm 54 văn bản quy định chi tiết 10 luật mới có hiệu lực nhưng chưa được ban hành.
“Công tác kiểm tra văn bản còn hiện tượng “khoán trắng" cho các cơ quan tư pháp, pháp chế; tại các Bộ, ngành, chưa chú trọng kiểm tra văn bản do các Bộ, ngành khác ban hành có liên quan đến Bộ, ngành mình. Chất lượng của một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở một số địa phương, việc xây dựng Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hình thức, số lượng văn bản được ban hành so với văn bản trong chương trình có sự chênh lệch lớn (Bình Phước, Bạc Liêu, Nghệ An…); có tình trạng dự thảo văn bản không được tổ chức lấy ý kiến góp ý hoặc lấy ý kiến góp ý không đúng đối tượng“- Bộ Tư pháp nhận định.
Thế Kha