1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chính phủ Việt Nam tiếp tục thắng kiện quốc tế

(Dân trí) - Hội đồng trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã bác bỏ hoàn toàn các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie (Pháp) đối với Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TPHCM.

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 31/12, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp, cho biết Chính phủ Việt Nam vừa tiếp tục thắng một vụ kiện quốc tế.

Theo ông Dũng, ngày 17/11 vừa qua, Hội đồng trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TPHCM. Phán quyết này có những nội dung chính như: Hội đồng trọng tài cho rằng không có bất kỳ một cơ quan nhà nước nào của Chính phủ Việt Nam vi phạm Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt - Pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc thực hiện bất kỳ một hành động sai trái nào; mọi hành động của Sài Gòn Co.op hoàn toàn tuân theo pháp luật Việt Nam và không thể quy các hoạt động của Sài Gòn Co.op là hành động của Chính phủ Việt Nam.

Ông Trần Tiến Dũng: Thắng lợi trong vụ kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ông Trần Tiến Dũng: Thắng lợi trong vụ kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

“Từ những phân tích trên, Hội đồng trọng tài quyết định: Hội đồng trọng tài có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie; tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ; mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài UNCITRAL”- ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết theo phán quyết này, hội đồng trọng tài đã bác bỏ toàn bộ các nội dung khiếu kiện của nguyên đơn đối với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho nguyên đơn DialAsie bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện.

“Đây là thắng lợi thứ hai của Chính phủ Việt Nam sau thắng lợi của vụ kiện South Fork đã có phán quyết vào tháng 12/2013. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang là bị đơn trong một loạt các vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang đe dọa kiện Chính phủ Việt Nam thì thắng lợi trong vụ kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”- ông Dũng nhận định.

Phóng viên Dân trí đặt câu hỏi về số tiền chi phí trọng tài mà Chính phủ Việt Nam phải trả và làm sao để tránh được những vụ kiện quốc tế khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng?

Bà Vũ Thị Hường, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết, các thông tin chi tiết về vụ việc cũng như chi phí trọng tài phải được giữ kín theo quy định.

Tuy nhiên bà Hường cho biết, từ năm 2011 nhà đầu tư đã gửi thông báo khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra hội đồng trọng tài quốc tế. “Vụ kiện của nhà đầu tư DialAsie và vụ kiện của South Fork (đối với một dự án tại tỉnh Bình Thuận - PV) gần như diễn ra trong cùng một thời năm 2010-2011. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp giữ vai trò là cơ quan đại diện về mặt pháp lý tham gia vụ việc này. Trong vụ DialAsie, Thủ tướng còn giao Bộ Tư pháp chủ trì giải quyết nên bộ đã khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu sự việc, thuê công ty luật, chỉ định trọng tài viên. Với những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ, chuyên viên pháp lý, các vụ chuyên môn của Bộ Tư pháp cũng như địa phương, chúng ta đã có chiến thắng như ngày hôm nay”- bà Hường hồ hởi.

Bà Hường thừa nhận những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. “Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 04/2014 về các biện pháp khi giải quyết các tranh chấp quốc tế; trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của các bộ ngành như thế nào. Đặc biệt, Bộ Tư pháp được giao đại diện và chủ trì giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế; giúp các bộ ngành địa phương tham gia các vụ tranh chấp quốc tế một chủ động hơn để giảm thiểu các vụ tranh chấp quốc tế. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, ngay khi có kiến nghị của nhà đầu tư thì phải thông báo cho các cơ quan, bộ ngành để giải quyết sớm, tránh tình trạng phát sinh tranh chấp”- bà Hường nói.

Giải thích về việc tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại khởi kiện Chính phủ trong khi việc phê duyệt và trách nhiệm giải quyết thuộc thẩm quyền của địa phương hoặc bộ ngành nào đó, bà Hường cho biết, khi khởi kiện nhà đầu tư quốc tế ghi rõ “địa chỉ” là Chính phủ. “Họ quan niệm việc đó do Chính phủ quản lý, điều hành không tốt và những cơ quan như Sài Gòn Co.op là cơ quan nhà nước, đại diện nhà nước quản lý những lĩnh vực đó”- bà Hường cho biết.
 
Vụ kiện bắt đầu từ sự việc, tháng 3/2001, Bệnh viện DialAsie ký hợp đồng thuê tòa nhà tại phố Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM) của Liên hiệp hợp tác xã (HTX) Thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op) với giá 23.000 USD/tháng. Tuy nhiên sau đó Bệnh viện DialAsie không trả được tiền nên Sài Gòn Co.op đưa đơn khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ngày 3/2/2005, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam buộc Bệnh viện DialAsie trả cho Sài Gòn Co.op số tiền hơn 571.000 USD (tương đương 8 tỷ đồng). Đến ngày 2/12/2005, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản đề nghị Bệnh viện DialAsie ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới và chuyển các bệnh nhân đang điều trị tới các trung tâm y tế khác để được điều trị. Chính vì thế nhà đầu tư DialAsie đã cho rằng mình bị đối xử không công bằng và khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế.
 
Theo Công an nhân dân

A Phùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm