1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

34 người ngoài Đảng ứng cử Đại biểu Quốc hội, HĐND TP Hà Nội

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 34 người ngoài Đảng ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND TP Hà Nội.

Ngày 15/3, đoàn giám sát của Hôi đồng bầu cử Quốc gia do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử Quốc gia làm trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội về kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp.

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, thành phố được bầu 30 đại biểu Quốc hội. Đến đầu tháng 3, Ủy ban bầu cử các cấp cũng đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử HĐND, trong đó cấp thành phố sẽ bầu 105 đại biểu, cấp huyện được bầu 1.185 đại biểu, cấp xã được bầu 16.045 đại biểu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc với Thành phố Hà Nội
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc với Thành phố Hà Nội

Đến ngày 13/3, Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tổng số người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là 87 người, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 47 người tự ứng cử. Có 205 người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP, trong đó có 196 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 9 người tự ứng cử.

Trong 40 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội có 17 người là nữ, 3 người ngoài đảng, 6 người là đại biểu Quốc hội khóa trước, 7 người đã tham gia HĐND thành phố… Đối với 196 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP, có 79 người là nữ, 31 người ngoài đảng…

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội, ông Lê Minh Thông - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia lưu ý, Hà Nội cần đảm bảo quyền bầu cử của cử tri theo đúng luật. Trong đó, chú ý đến 1 số đối tượng trước đây không có quyền bầu cử như người bị tạm giam hay vừa được tha 24 tiếng trước cuộc bầu cử vì theo luật mới những người này có quyền tham gia bầu cử.

Tại đây, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia đưa ra nhận định, bắt đầu từ đây có thể công tác khiếu nại tố cáo sẽ rất nhiều, Hà Nội cần nâng cao trách nhiệm để giải quyết tốt việc này.

Phát biểu tại buổi làm việc, một thành viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND lần này phức tạp hơn rất nhiều so với năm 2011, đã hình thành phong trào tự ứng cử. Cụ thể, trong 47 người tự ứng cử ở Hà Nội, đứng đằng sau một số người này có tổ chức phản động trong nước và ở nước ngoài hỗ trợ. Thậm chí những người này được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri.

Đại diện Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng nhận định với 47 trường hợp tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội, sau các vòng hiệp thương sẽ có một một số trường hợp đưa ra khỏi danh sách. Từ đó, không thể tránh khỏi những người này cho là không dân chủ. Qua đó, họ lôi kéo vận động cử tri không đi tham gia bầu cử hay tham gia bầu cử cũng sẽ không bầu cho ai cả.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác bầu cử đúng quy định, xử lý kịp thời những vướng mắc trong công tác bầu cử, phát huy tinh thần dân chủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Hà Nội cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền bầu cử và đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối để ngày 22/5 thực sự là ngày hội của toàn dân, đảm bảo quyền của cử tri.

“Việc quan trọng hiện này là phải thực hiện đúng pháp luật và đảm bảo số lượng và chất lượng đại biểu, cơ cấu đại biểu. Phải chuẩn bị chu đáo vì đây là ngày hội của toàn dân, người dân nô nức đi bỏ phiếu thì cuộc bầu cử mới thành công”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu Hà Nội thường xuyên theo dõi, xử lý những vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, Hà Nội cần tập trung làm tốt công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo, không để khiếu kiện đông người. UBND thành phố Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan, xử lý kịp thời, không để điểm nóng phát sinh.

“Việc ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo chất lượng đại biểu. Tôi đề nghị Thành ủy Hà Nội, Hội đồng bầu cử của thành phố xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ cởi mở, theo chất lượng đại biểu tốt, đại diện cho nhân dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Quang Phong

34 người ngoài Đảng ứng cử Đại biểu Quốc hội, HĐND TP Hà Nội - 2