3 ngày làm việc và hơn 40 hoạt động của Thủ tướng tại "xứ sở hoa anh đào"
(Dân trí) - Trong 3 ngày tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, tiếp xúc, gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến công tác Nhật Bản từ ngày 19/5 và kết thúc tối muộn 21/5, sau khi tham dự Hội nghị Thượng định G7 mở rộng và có chuỗi hoạt động liên tục tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Trao đổi với báo chí sau chuyến đi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thông tin về nhiều kết quả nổi bật, cho thấy vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam.
Thưa Bộ trưởng, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản đã thành công tốt đẹp. Theo ông, sự kiện này đã ghi những dấu ấn nổi bật nào?
- Với ba phiên họp "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" và "Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", các nhà lãnh đạo G7, G7 mở rộng đã trao đổi, đánh giá và đưa ra những giải pháp giải quyết thách thức toàn cầu, nhất là phục hồi kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng đã thông qua Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu, đề ra các nhóm giải pháp ứng phó với khủng hoảng lương thực trước mắt, nâng cao tính tự cường nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai và bảo đảm dinh dưỡng cho mọi người dân. Đây là kết quả đáng chú ý, thể hiện nỗ lực dẫn dắt của Nhật Bản cũng như quyết tâm của các nước G7 và khách mời trong việc giải quyết vấn đề cấp bách, tác động nhiều mặt đến cuộc sống người dân.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo nhất trí cần tạo các động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Hội nghị hoan nghênh sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng, đầu tư toàn cầu của G7 (PGII) và Sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) của Nhật Bản; nhất trí đẩy mạnh các sáng kiến huy động nguồn tài chính cho phát triển, thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, về vấn đề hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới, các nhà lãnh đạo nhất trí trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân.
Việt Nam cùng 7 quốc gia khác là khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay. Nhiều chuyên gia đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam từ việc này. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về đóng góp của Việt Nam tại hội nghị này?
- Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản thành công trên cả phương diện đa phương và song phương.
Trong chưa đầy ba ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.
Về đa phương, Việt Nam đã đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển.
Tại các phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương, coi đây là chìa khóa để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ.
Thông điệp về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm cân bằng, hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước, cũng được người đứng đầu Chính phủ đề cập.
Bên cạnh đó, Thủ tướng thể hiện quan điểm giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng được các nhà lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Ở góc độ song phương, chuyến công tác đã góp phần nâng cao sự tin cậy chính trị, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, tổ chức quốc tế.
Đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam, các đối tác khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Nhìn lại, chuyến công tác của Thủ tướng đã cho thấy hình ảnh Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.
Để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, theo ông, kết quả của chuyến đi này có ý nghĩa như thế nào?
- Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio và tiếp nhiều lãnh đạo địa phương, tổ chức quốc tế cũng như những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Các cuộc làm việc đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Lãnh đạo Việt Nam - Nhật Bản đã nhất trí nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023 - dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Đặc biệt, hai bên đã đạt một số kết quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác ODA và đầu tư với việc ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ yên (khoảng 500 triệu USD) cho các dự án ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Lãnh đạo hai nước cũng thống nhất thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.
Về hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong các trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, xử lý nước thải…
Hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, sẽ là những định hướng trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn mới.
Nhận thức chung về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng… cũng được phía Việt Nam và Nhật Bản hướng tới.
Bên cạnh đó, hai nước cho biết sẽ thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, giáo dục - đào tạo, du lịch với hình thức phong phú, chất lượng, hiệu quả cao.
Trong các vấn đề quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản thống nhất tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Mekong… và vấn đề Biển Đông.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!