1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

3 cô giáo trẻ và 12 đứa trẻ bất hạnh

(Dân trí) - Nhà văn hóa khối Tân Quang, phường Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An) lâu nay là tổ ấm yêu thương của những em nhỏ bất hạnh bị thiểu năng, tự kỷ, đao... Ở đó có 3 cô giáo tuổi đời còn rất trẻ ngày ngày cần mẫn giúp các em mở cánh cửa tương lai.

3 cô giáo trẻ và 12 đứa trẻ bất hạnh - 1
Cô Trần Thị Mai đang dạy cho các em nhận biết con số. 

3 cô giáo trẻ và 12 đứa trẻ bất hạnh - 2

Các cô cùng con trẻ rất cần được xã hội giúp đỡ...

Cô Phan Thị Huyền, một trong 3 cô giáo, kể về những ngày đầu mở lớp: “Lúc đó, thấy các em bị bệnh nhưng lại không có nơi nào nhận, hầu hết bố mẹ đều khó khăn và tha thiết được gửi các cháu nên mình mới quyết định mở lớp này. Mình cũng chỉ mong các em có một môi trường tốt để học cách làm người, học văn hóa như bao đứa trẻ khác mà thôi”.

Ban đầu lớp chỉ có 3 em nhưng đến nay qua hơn 8 tháng hoạt động, số học sinh trong lớp đã tăng lên 12 em. Thương học sinh tật nguyền thiệt thòi, các cô chăm chút các em như cha như mẹ, không một chút nề hà, phân biệt. “Mình cũng có con nên mình hiểu cảm giác của người bố, người mẹ như thế nào. Mình xem các cháu như con của mình nên mình chỉ muốn cho các em những gì tốt nhất. Hàng ngày, thấy các em phát triển, biết được nhiều thứ, rồi một số em còn biết viết, biết đọc, đó là niềm hạnh phúc nhất của người làm thầy”, cô Phạm Thị Thu Mai chia sẻ.

3 cô giáo trẻ và 12 đứa trẻ bất hạnh - 3

Các em học chữ, ghép số...

Còn đối với cô Trần Thị Mai, việc gắn bó với các em nhỏ nơi đây giống như một mối duyên đã định sẵn. “Hôm đó, em cũng nghĩ rằng đến xem cho biết nhưng khi tiếp xúc với các em, mới nhận ra rằng không thể rời xa các em được”.

Gần 8 tháng, lớp học đặc biệt này tồn tại được là một sự cố gắng rất lớn của 3 cô giáo trẻ. Lâu nay, lớp hoạt động chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía gia đình các em. Nhưng theo cô Huyền, đa phần hoàn cảnh gia đình các em còn khó khăn, chủ yếu là những gia đình lao động nghèo... nên khoản đóng góp cho lớp cũng hạn chế.
 
3 cô giáo trẻ và 12 đứa trẻ bất hạnh - 4

Cô Trần Thị Mai dạy cho các em biết con số.
 
Từ số tiền ít ỏi ấy, các cô phải chắt bóp, lên kế hoạch chi tiêu để có đủ tiền thuê phòng học, mua dụng cụ học tập, lo bữa trưa cho các em. Đã không ít lần các cô phải bỏ tiền túi ra để lo cơm, mua quà... cho học sinh. Những khó khăn đó không làm nản lòng 3 cô giáo trẻ tâm huyết, giàu lòng nhân ái.
 
Học sinh của các cô đều là những đứa trẻ hạn chế về nhận thức nên việc dạy và chăm sóc là không hề đơn giản. Cô dạy trò từ cách đi vệ sinh, cách nói năng, cách ăn uống... Dạy hôm nay các em biết, mai các em lại quên. Có khi chỉ là cách đi vệ sinh thôi mà phải kiên trì dạy cả tháng mới nhớ.
 
3 cô giáo trẻ và 12 đứa trẻ bất hạnh - 5

Dạy chữ...

Cô Mai tâm sự: “Nếu không có lòng kiên trì và tình yêu thương sẽ không gắn bó với các em được như thế này. Biết là phải chịu hy sinh nhưng chúng tôi luôn thanh thản, nhìn các em tiến bộ mà thấy ấm lòng”. 

Điền Bắc - Phạm Bằng