Bị em đánh chửi, cô càng thương em bội phần!
(Dân trí) - Cô còn nhớ như in buổi đầu lên lớp, một học sinh hỏi: “Ê mi! tới đây làm chi?”. Còn chuyện học sinh đánh cô giáo, đập vỡ đồ đạc, thậm chí đi vệ sinh ngay trước mặt cô là chuyện tất nhiên phải xảy ra mỗi ngày...
Cô dạy trò học cách đối đáp.
Vừa làm cô giáo, vừa làm bảo mẫu
Vừa đặt chân đến tiền sảnh nhà trường, chúng tôi đã nghe những tiếng la hét đến rợn người, những lời nói khiếm nhã, tiếng cười vô hồn. Thấy có người lạ, nhiều học sinh đập đầu, cấu véo, cãi lộn nhau... Cảnh tượng “gây sốc” đó, cô giáo Lê Thị Ngọc Hà - Hiệu trưởng nhà trường - đã quá quen thuộc nên chỉ sau ít phút cô dỗ dành, các em đã trật tự trở lại.
Gắn bó với nghiệp dạy dỗ những học sinh khuyết tật đã gần 10 năm qua, hơn ai hết, cô giáo Ngọc Hà là người cảm nhận được những khó khăn vất cả mà nghề này mang lại. Cô tâm sự: “Để trọn đời nâng bước cho các em có số phận không may phải là những cô giáo tâm huyết với nghề”.
Chuyện học sinh đánh cô giáo, đập vỡ đồ đạc, thậm chí đi vệ sinh ngay trước mặt cô là chuyện tất nhiên phải xảy ra mỗi ngày. Bằng tất cả tình thương, các cô không xem đó là điều gì đáng sợ hay ghê tởm mà chỉ âm thầm chăm sóc các em, với ước mong các em có thể tự bước trên đôi chân của mình.
Cô giáo Nguyễn Hoàng Oanh kể: “Người học sinh mà tôi nhớ nhất là em Thanh. Hồi mới vào trường em không biết đi và sốt da vàng. Và đặc biệt là không biết nói. Bằng tất cả những kiến thức đã được học, tôi đã cố gắng chăm chút cho em từng tí, đi đâu tôi cũng bồng bế trên tay. Một ngày, bỗng nhiên em gọi tôi bằng hai tiếng “mẹ ơi!”. Tôi đã bật khóc vì sung sướng…”.
Chắp cánh cho trẻ khuyết tật
Nhà trường hướng đến 5 đối tượng học sinh, gồm các em bị bệnh tự kỷ, bệnh tăng động, đao, bại não và chậm phát triển trí tuệ. Hiện toàn trường có 65 em và được chia thành 7 lớp, trong đó các cô giáo thường dạy 5 kỹ năng: sinh hoạt hằng ngày, kỹ năng trí tuệ, kỹ năng vận động, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng ngôn ngữ.
Thương các em, các cô không nề hà mà ngày ngày tận tình rèn luyện, chỉ bảo. Nhờ vậy mà sau vài năm ở trường, các em đã tiến bộ rõ rệt, đã biết đi lại, biết ăn biết nói, biết làm toán, vẽ tranh, biết chăm sóc bản thân, không còn phá phách…
Suốt nhiều năm qua, các cô nhận mức lương 850.000 đồng/người/tháng, trong đó, một phần lương được dự án từ nước Đức tài trợ. Đến nay mức lương được nâng lên thành 1.500.000 đồng.
Cô Ngọc Hà tâm sự: “Nếu bận lòng đến lương bổng thì có lẽ 15 cán bộ, giáo viên nhà trường chẳng ai gắn bó lâu dài với nghề. Nếu đòi hỏi mức lương xứng đáng với thù lao buộc lòng phải nâng học phí. Nhưng làm như vậy chúng tôi lại thấy thương các em, vì đa phần các học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn”.
Rời trường vào giờ tan lớp, chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy cảnh các cô giáo cõng học sinh ra với phụ huynh. Hình ảnh đó như đốm lửa sáng sưởi ấm trái tim mọi học trò trong ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trường Chuyên biệt Tương Lai được thành lập vào tháng 4/2001 dưới sự giám sát của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên Huế và Văn phòng tư vấn Di truyền và Hỗ trợ trẻ em Khuyết tật (thuộc Đại học Y dược Huế).
Đây là ngôi trường bán trú đầu tiên chỉ dành riêng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ với cơ sở vật chất 7 phòng học, trong đó có phòng Vật lý trị liệu để hỗ trợ học sinh. Ngoài ra, trường còn được hỗ trợ về chuyên môn giáo dục đặc biệt của các chuyên gia: PGS - TS, Bác sỹ Nguyễn Viết Nhân, Chủ nhiệm bộ môn di truyền học trường ĐH Y dược Huế, bà Vivien Heller, thuộc tổ chức hỗ trợ phát triển DED (Đức). |
Hoàng Thanh Nhân