1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

3 cây cổ thụ trên 300 tuổi trong khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

(Dân trí) - Trong khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du có 3 cây cổ thụ rất đặc biệt. Điều đặc biệt ấy không chỉ đến từ sự trường thọ trên 300 năm tuổi mà 3 cây này vốn được cụ Nguyễn Quỳnh - ông nội Nguyễn Du trồng, tượng trưng cho 3 đứa con thông minh, đỗ đạt của mình.


Khu di tích Nguyễn Du trải dài trên địa bàn toàn xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có bề dày lịch sử trên 400 năm. 

Tương truyền, sinh thời cụ Nguyễn Hằng có 5 người vợ và 9 con (6 trai, 3 gái). Là người tinh thông lý số, giỏi tính toán chuyện hậu thế, cụ Nguyễn Hằng biết trong 6 người con trai sẽ có 3 người đỗ đạt làm quan, nên khoảng từ năm 1715 đến 1720, cụ đã cho trồng 3 cây Muỗm (Xoài), Bồ Lỗ (Cây Nóng), cây Rói với mong muốn danh vọng của 3 người con sẽ được trường tồn.

Quả đúng như tính toán của cụ Nguyễn Hằng, không lâu sau đó 3 người con của cụ là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm (thân sinh cụ Nguyễn Du) và Nguyễn Trọng đã đỗ đạt cao, làm quan to dưới triều đình. Trong đó Nguyễn Nghiễm được triều đình nhà Lê phong chức Tể tướng năm 1762, sau khi mất còn được phong “Thượng Đẳng Tôn Thần”, Huân Du Đô Hiến Đại Vương, hàng năm Quốc gia làm tế lễ. 

Cũng tương truyền, 3 cây do cụ Nguyễn Hằng trồng cứng cáp, lớn nhanh như thổi. Khi đã làm quan lớn trong triều đình, mỗi khi về thăm cha, gặp gỡ bạn bè cùng hầu bàn chuyện thế sự, văn chương, 3 người con của cụ Nguyễn Hằng thường cho dừng ngựa dưới 3 cây xanh rợp bóng này để nghỉ ngơi sau chặng đường dài.

 Năm 1965, kỉ niệm 200 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành quy hoạch và bảo vệ các di tích còn lại. 3 cây cổ thụ trên trở thành những di tích được bảo vệ, chăm sóc nghiêm ngặt. Đáng tiếc, trận bão năm 1982 đã quật đổ mất một cây. Hai cây còn lại dù đã trên 300 năm tuổi nhưng vẫn rợp bóng xanh, hàng năm vẫn ra hoa kết trái, là niềm yêu thích của các du khách mỗi lần ghé thăm Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

 

Văn Dũng - Tiến Hiệp