229 “tử tù”… đợi thi hành án 5-10 năm, 20 người đã chờ hơn 10 năm
(Dân trí) - Đó là những con số được nêu tại báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019, một trong những nội dung được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xem xét tại phiên họp toàn thể lần thứ 13, diễn ra từ 3-6/9/2019.
Theo báo cáo, số người bị kết án tử hình đang quản lý trong các trại tạm giam tính đến ngày 31/7/2019 tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2018. Từ ngày 1/10/2018 đến 31/7/2019 cơ quan thi hành án hình sự công an các tỉnh thành đã tổ chức thi hành án tử hình 68 người, đều là nam, đúng quy định của pháp luật.
Trên toàn quốc còn 10 người bị kết án tử hình đã có quyết định thi hành án nhưng chưa thi hành án, do sai lệch thông tin trong hồ sơ về năm sinh, họ tên bố mẹ, nơi đăng ký thường trú, người bị kết án kêu oan, thân nhân có đơn kêu oan, người bị kết án có đơn tố giác tội phạm, khai thêm tình tiết mới…
Bị giam giữ, “tử tù” nữ vẫn luôn tìm cách có thai
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án tử hình.
Như một số bị án tử hình là nữ luôn tìm cách có thai để thoát án tử hình. Một số đối tượng thường xuyên chống đối, luôn tìm cách trốn hoặc tự gây thương tích, coi thường, xúc phạm người thi hành công vụ, thường xuyên đưa ra những yêu cầu, nguyện vọng rất vô lý, nếu không được đáp ứng lập tức có những phản ứng tiêu cực như la hét, chửi bới, đe doạ, hắt chất bẩn vào cán bộ...
Khó khăn nữa là chưa có quy định cụ thể về thời gian chờ xét quyết định ân giảm hoặc bác đơn xin ân giảm án tử hình, thời hạn toà án nhân dân ra quyết định thi hành án tử hình và thành lập hội đồng thi hành án tử hình, thời hạn Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trả lời toà án nhân dân về việc thông báo cho nhân thân của người bị kết án tử hình là người nước ngoài làm đơn hoặc không làm đơn xin nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình.
Bên cạnh đó, việc thực hiện của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các bộ, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan trong việc rà soát, đối chiếu, điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, tài liệu để thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đối với người bị kết án tử hình, án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có đơn thi hành án sớm, có đơn tố giác tố phạm, khai thêm tình tiết mới, hồ sơ, lý lịch của người bị kết án tử hình có những nội dung không phù hợp với lời khai hoặc thực tế, người bị kết án tử hình có quốc tịch nước ngoài nhưng có một số vấn đề cần xác minh, làm rõ.... thời gian còn kéo dài.
Do đó, người bị kết án tử hình phải giam giữ lâu, gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ. Báo cáo nêu con số thực tế, hiện có 229 người bị kết án tử hình đã giam giữ từ 5 năm đến dưới 10 năm, 20 người giam giữ từ 10 năm trở lên.
Ngoài ra, việc đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp khu giam riêng, buồng giam người bị kết án tử hình, trang bị các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ quản lý giam giữ đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ, nhất là công tác phân loại bố trí giam giữ người bị kết án tử hình.
P.Thảo