2017, dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo cho... 2030
(Dân trí) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thi hành luật Thủ đô, UB Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ, quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số thành phố tăng tới mức 7,3 - 7,9 triệu người, nhưng đến năm 2017 dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu người, lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030.
Tốc độ tăng dân số phá vỡ mọi quy hoạch, dự tính
Báo cáo của Chính phủ nêu thống kê của Hà Nội, tính đến tháng 9/2017, toàn thành phố có 1,9 triệu hộ gia đình, với xấp xỉ 7 triệu nhân khẩu thường trú. Mật độ dân số trung bình khoảng hơn 2.200 người/km2, phân bố không đều, tập trung nhiều ở các quận nội thành. Tại quận Đống Đa, mật độ dân số tới hơn 32.200 người/km2, gấp 45 lần so với huyện Ba Vì là 721 người/km2.
Từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 1/4/2018, toàn Hà Nội đã đăng ký thường trú cho hơn 7.800 nhân khẩu; đăng ký tạm trú 225.265 nhân khẩu; tiếp nhận hơn 20 triệu lượt thông báo lưu trú;...
Thẩm tra về nội dung này, UB Pháp luật của Quốc hội đề cập, để quản lý dân cư trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng di dân tự phát, giảm áp lực về dân số trong nội thành, Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách như: quy định diện tích bình quân tối thiểu cho mỗi người đối với nhà cho thuê ở nội thành, ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành…
Thành phố cũng chủ trương hạn chế việc xây dựng mới các khu nhà cao tầng trong khu vực nội thành, trước mắt là 4 quận nội đô lịch sử.
Bên cạnh đó, chính sách di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ nội thành ra ngoại thành để ưu tiên xây dựng phát triển công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không sử dụng để xây chung cư cao tầng sai quy định đã được xác định từ lâu.
Năm 2018, UB Pháp luật cũng tổ chức giám sát việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô và báo cáo kết quả giám sát sau đó đã đề cập đến vấn đề này. UB Pháp luật nhận thấy, việc thực hiện những chính sách nêu trên nhằm mục đích giãn dân ra ngoại thành, hạn chế việc di dân vào nội thành, giảm áp lực dân số trong nội thành đều cho thấy chưa hiệu quả. Tình trạng tăng dân số cơ học ở nội thành không những không giảm mà tiếp tục tăng nhanh.
Cụ thể, báo cáo số 1706 (tháng 9/2018) của Đoàn giám sát về việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô do UB Pháp luật tổ chức nêu rõ, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số tăng khoảng từ 7,3 - 7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030).
Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ là 10,5 triệu người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050) vượt xa so với dự kiến trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.
Chung cư cao tầng bất chấp quy hoạch vẫn mọc trong nội đô lịch sử
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định dẫn quy định tại khoản 3 Điều 9 của luật Thủ đô quy định, khi triển khai dự án phát triển đường giao thông, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch.... Trong trường hợp quy hoạch có xây dựng nhà ở tái định cư tại chỗ hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh đó.
Triển khai quy định này, Hà Nội đã xây dựng danh mục đồ án đến năm 2020 gồm 56 đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường.
Tuy nhiên, theo ông Định, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá về việc thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 9, có bao nhiêu dự án đã được triển khai theo quy định này, bao nhiêu dự án không triển khai được, lý do tại sao, việc ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư tại chỗ hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh có được thực hiện đúng theo quy định của Luật, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì Khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm; bên cạnh đó thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.
Tuy nhiên, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng; tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Chính phủ cũng cho biết, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ di dời thực hiện rất chậm. Quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô. Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời.
Báo cáo dẫn chứng, trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su sao vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp thống nhất, Xe buýt Hà Nội…, nay là những dự án Tổ hợp nhà liền kề, Trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.
Thực tế, Hà Nội đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 09 bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng Tổ hợp dự án nhà cao tầng.
Đối với bệnh viện tuyến Trung ương, thì hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành. Trong số 9 bộ, ngành thì hiện có 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng.
Nghịch lý là đối chiếu với báo cáo số 187 năm 2019 của UBND TP.Hà Nội thì thành phố đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây, quận Tây Hồ (khoảng 20ha) và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (khoảng 55ha). Ngoài ra, thành phố đã giải quyết, bố trí quỹ đất di dời7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý, 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo nguồn vốn di dời và đầu tư xây dựng trụ sở mới (Trụ sở Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, quận Ba Đình; Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại số 45 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm).
Phương Thảo