1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

20 năm trước, vì sao bão Linda cướp đi gần 3.000 sinh mạng?

(Dân trí) - Bão Linda làm hàng nghìn người chết và mất tích ở nơi mà con người hàng trăm năm sống trong bình yên chưa hề có khái niệm về “bão”. Sau này được nghe kể rằng “Bão đổ bộ vào Cà Mau”, như chuyện của “những người thích đùa”. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì không ai tin Cà Mau có bão.

Các đại biểu tham dự cuộc hội thảo dành ít phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong cơn bão Linda năm 1997.
Các đại biểu tham dự cuộc hội thảo dành ít phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong cơn bão Linda năm 1997.

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức Hội thảo “Nhìn lại 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm”. Tham dự hội thảo này có ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các cán bộ nguyên là thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.

Tiến sĩ Đặng Quang Tính tại cuộc hội thảo.
Tiến sĩ Đặng Quang Tính tại cuộc hội thảo.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Đặng Quang Tính – nguyên Cục trưởng Đê điều lũ bão (Bộ NN&PTNT) chia sẻ bài viết của ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về cơn bão Linda: Bão Linda làm hàng nghìn người chết và mất tích ở nơi mà con người hàng trăm năm sống trong bình yên chưa hề có khái niệm về “bão”. Sau này được nghe kể rằng “Bão đổ bộ vào Cà Mau”, như chuyện của “những người thích đùa”. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì không ai tin Cà Mau có bão.

Một số quan chức ở vùng đó lúc bấy giờ cũng nghĩ như vậy. Trong một cuộc điện thoại từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ở Hà Nội gọi vào còn nghe được câu trả lời bằng một giọng lè nhè như đang say xỉn “Vùng biển Tây-vùng biển Kiên Giang đó là “Vùng thánh địa”, xưa nay chưa hề có bão, các ảnh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này, làm gì có bão”.

Sự chủ quan của câu nói đấy, đồng nghĩa với việc họ không cần hành động, không cần phòng bị hoặc chỉ đạo nhân dân phòng, tránh trước khi bão đến và đã để lại hậu quả vô cùng thảm khốc.

Ngồi ở nhà sẽ không thấy được nỗi khổ của người dân

Trực tiếp chỉ đạo đối phó với bão Linda năm đó, ông Lê Huy Ngọ nhớ lại: Thời điểm đó, ông có hỏi một cán bộ bên Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương rằng “Anh sợ nhất điều gì lúc này?”, vị cán bộ đó đáp “Em sợ nhất bão đi thấp, sát bờ, vì sẽ gây thiệt hại lớn không chỉ đối với tàu thuyền trên biển mà còn cả với người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Được nhận định bão Linda rất mạnh, ông Ngọ đã chỉ đạo thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương gọi điện đến tất cả các lãnh đạo địa phương trong đó để cảnh báo nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng với bão”.

“Phê phán họ như thế, nhưng thực tế ở khu vực này hàng mấy chục năm nay không có tình trạng như thế. Lãnh đạo họ cảm thấy bình thường không có gì. Nếu mà đúng như thế thì phải đi, lãnh đạo thì chủ quan, dân thì thờ ơ. Mà tình hình thì đến mức này, bão đi ở vĩ tuyến rất thấp, sát với bờ biển, sát với vùng đánh cá, sát với vùng dân ở, mà ở đây gọi điện mãi không chịu nổi” – ông Ngọ nói.

Ông Lê Huy Ngọ: Ngồi ở nhà sẽ không thấy được nỗi đau của người dân vùng lũ, vùng chịu thiệt hại do thiên tai.
Ông Lê Huy Ngọ: "Ngồi ở nhà sẽ không thấy được nỗi đau của người dân vùng lũ, vùng chịu thiệt hại do thiên tai".

Sau đó ông Ngọ cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo đã bay đến Côn Đảo để kiểm tra tình hình, thì trước mắt là cảnh tượng kinh hoàng, hơn 2.300 người dạt trên bờ, tàu thuyền chìm rất nhiều.

Lúc đó, ông Ngọ đã phải gọi điện trực tiếp báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo. Ngay sau đó, Thủ tướng đã chi viện thêm người vào và chỉ đạo thực hiện gấp công tác tìm kiếm số người còn mất tích; hôm sau phải giải cứu 700 người đang mắc kẹt ở Côn Đảo; gọi điện về đất liền để khẩn trương cung cấp gạo, nước ra Côn Đảo để cứu trợ cho nhân dân.

“Cho nên công tác PCTT mà cứ nghe, chỉ đạo ào ào trên điện thoại, ngồi ở nhà sẽ không thấy được nỗi đau khổ của người dân. Khi đến với người dân, phát cho họ những chiếc bánh mỳ là quý giá lắm, họ sẽ cảm thấy trong lúc khổ sở như thế vẫn có Đảng, Nhà nước bên cạnh. Cho nên hành động ở Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT luôn phải nghĩ đến với người dân, những người đang nằm trong vùng nguy hiểm thì mới chỉ đạo đúng được” – ông Ngọ lưu ý.

Ông Trần Quang Hoài bày tỏ biết ơn sâu sắc tới những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các đại biểu tham dự cuộc hội thảo.
Ông Trần Quang Hoài bày tỏ biết ơn sâu sắc tới những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các đại biểu tham dự cuộc hội thảo.

Kết luận cuộc Hội thảo, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới những chia sẻ kinh quý báu trên của các đại biểu. Ông Hoài cho biết, Tổng cục PCTT đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai từ trước tới nay để đúc rút thêm kinh nghiệm trong công tác điều hành, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

“Ngày 3/11 tới đây tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cũng sẽ dành nửa ngày để nói về công tác phòng, chống thiên tai. Và cùng thời điểm này, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT sẽ vào Cà Mau để dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong cơn bão Linda cách đây 20 năm” – ông Hoài nói.

Theo tài liệu của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, đêm 31/10/1997, một vùng áp thấp ở khu vực Nam biển Đông (cách quần đảo Trường Sa khoảng 350km về phía Đông - Đông Nam) mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6, cấp 7, di chuyển theo hướng Tây.

Trưa 1/11/1997, khi ở 8 độ vĩ Bắc - 111,9 độ kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 600km về phía Đông - Đông Nam, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 (LINDA) với sức gió cấp 8, giật trên cấp 8.

Bão di chuyển nhanh (20km/h) chủ yếu theo hướng Tây và mạnh lên cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Đến 12h ngày 2/11/1997 tâm bão đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12.

Đến tối ngày 2/11/1997, bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.

Tổng hợp thiệt hại của 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, bão Linda đã gây thiệt hại như sau: 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; số nhà bị sập là 107.892;…thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỷ đồng. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.

Nguyễn Dương