1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực

Thế Kha

(Dân trí) - Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập và chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Ngày 14/7, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành thanh tra.

2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Phạm Thắng).

Tình hình khiếu kiện giảm; kiểm tra, rà soát từng vụ việc

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, 6 tháng đầu năm có trên 187.300 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với tổng số người được tiếp gần 205.000 người.

Các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ thủ trưởng tiếp công dân trực tiếp cao gồm: Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Tây Ninh; Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế,…

Thanh tra Chính phủ đánh giá, trong những tháng đầu năm tình hình khiếu kiện của công dân giảm. Tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, Trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không nhiều. Tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định, không có tình huống phức tạp xảy ra.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo Ban Tiếp công dân Trung ương tăng cường công tác tiếp công dân; chủ động liên hệ với UBND các tỉnh, thành phố có công dân khiếu kiện đông người, phức tạp tại Hà Nội cử tổ công tác phối hợp, vận động công dân trở về địa phương, tránh diễn biến phức tạp.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch và phối hợp với các bộ, ban ngành cùng các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát từng vụ việc.

Trong quá trình thực hiện đã xem xét khách quan, tuân thủ theo pháp luật, có đánh giá sự tác động, hiệu quả của quá trình giải quyết của cơ quan có thẩm quyền từ trình tự, thủ tục pháp lý, điều kiện lịch sử, thực tiễn của địa phương, chính sách pháp luật đã áp dụng… và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, kết luận và báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý 29 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, trong đó có những vụ đã được các cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại.

Tình trạng các đoàn khiếu kiện, tụ tập đông người tại nhà riêng các lãnh đạo Đảng, nhà nước và trụ sở các cơ quan Trung ương đã giảm rõ rệt và được kiểm soát.

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (quận Hà Đông, Hà Nội), một số đoàn đông người chỉ xuất hiện khi các kỳ họp của Quốc hội diễn ra. Các công dân khiếu kiện tuân thủ đúng quy định pháp luật, không có các hành vi kích động, gây rối.

Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành nhập dữ liệu 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt đã báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương. Hoàn thành xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến và sẽ tổ chức thực hiện thí điểm với một số địa phương trong thời gian tới.

2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực - 2

Trụ sở Thanh tra Chính phủ ở Hà Nội (Ảnh: Lê Phương).

Xác minh 4.427 người và chỉ 2 người bị kỷ luật vì kê khai không trung thực

Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 26.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

272.309 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ. Có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập và chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Trong kỳ báo cáo đã có 27 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và đã xử lý kỷ luật 18 người.

49 vụ việc tham nhũng đã được phát hiện (tăng 63,3%) và 72 người liên quan đến tham nhũng (tăng 80%).

Ngành thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước quan tâm đẩy mạnh hoạt động hoàn thiện thể chế và tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã tiếp tục thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và đang triển khai kế hoạch năm 2023 theo định hướng được Thủ tướng phê duyệt.

Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 178.900 tỷ đồng

6 tháng đầu năm, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và gần 95.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 178.900 tỷ đồng (tăng 615% so với cùng kỳ năm 2022), 404ha đất (giảm 96%); trong đó kiến nghị thu hồi trên 148.000 tỷ đồng và 9ha đất.

Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng, 395ha đất.

Ngành thanh tra đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể (giảm 53,4%) và trên 2.900 cá nhân (tăng 8,8%); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ và 316 đối tượng (tăng 255%).

Riêng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, đã kiến nghị xử lý hành chính 130 tổ chức, 383 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 18 vụ, 24 đối tượng.

Thống kê cho thấy, các địa phương phát hiện nhiều vi phạm đất đai gồm: Quảng Nam, Bình Phước, Bắc Ninh, Hưng Yên, Tây Ninh, Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…