1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"18 tháng cùng hải tặc, lúc nào súng cũng lăm le trước mặt..."

(Dân trí) - “Lúc nào súng cũng lăm le trước mặt, chúng bảo gì phải làm theo nấy, ai chống lại bị đánh ngay. Có lần để bắt gọi điện về nhà đòi tiền chuộc, chúng trói, treo ngược thuyền trưởng lên rồi đánh đập...".

18 tháng trong tay cướp biển
 
Trở về an toàn trong vòng tay gia đình, người thân sau hơn 18 tháng nằm trong tay cướp biển Somalia, với 12 thuyền viên Việt Nam, giây phút này họ như được tái sinh. Những ký ức kinh hoàng của những ngày sống trong địa ngục trần gian, có lẽ đến suốt cuộc đời này họ cũng không sao quên được.

Khi thuyền viên Nguyễn Văn Hải trở về, cả gia đình anh (ở xóm Thành Công, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vỡ òa trong nước mắt. Trong niềm hạnh phúc vô bờ, anh Hải nhớ lại: “Đang làm việc trên tàu thì chúng tôi nghe thấy 1 tiếng súng. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì bọn cướp biển đã cầm dao, cầm súng chiĩa thẳng vào mặt và trói chúng tôi lại trên boong thuyền. Sau khi bắt, chúng đánh đập và đối xử với chúng tôi như những loài cầm thú. Khổ lắm, nhiều khi tuyệt vọng các anh em chỉ ôm nhau mà khóc”. 

Bà Tô Thị Lợi - mẹ anh Hải - vui mừng chia sẻ: “Suốt gần 2 năm qua, cả nhà tôi đã mòn mỏi chờ mong tin con, có những lúc tôi đã thấy tuyệt vọng nghĩ sẽ không bao giờ được gặp con nữa...”.

Thuyền viên Hồ Xuân Hương bần thần vì vẫn còn cảm giác hoảng sợ lo lắng.
Thuyền viên Hồ Xuân Hương vẫn hãi hùng mỗi khi nhớ lại những tháng ngày trong tay hải tặc

Thuyền viên Hồ Xuân Hương ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An, rùng mình nhớ lại: “Tàu đang đánh bắt cá thì bị 2 ca nô của bọn cướp biển đến khống chế tàu và các thuyền viên. Sau khi bị khống chế, chúng tôi bị cắt đứt mọi phương tiện thông tin liên lạc. Các đồ dùng, tiền bạc có giá trị đều bị chúng cướp hết. Khi lùng sục khắp tàu, chúng phát hiện có 2 khẩu súng giấu dưới khoang thuyền trưởng nên đã trói tất cả các thuyền viên và thuyền trưởng lại rồi nhốt vào một góc ở boong tàu. Chúng tra tấn, đánh đập dã man, không cho chúng tôi có cơ hội chống cự”.

Tái sinh
 
Bác Bùi Thị Huyền, mẹ của thuyền viên Hồ Xuân Hương, vỡ òa trong niềm vui mừng cho biết: “Nhìn thấy nó về gày yếu mà tui thương quá. Mấy ngày rồi, từ lúc nhận được tin là con được thả về mà cả gia đình ai cũng mừng không ngủ được. Ở đây bà con hàng xóm ngày họ cũng mừng, ngày nào cũng qua hỏi thăm xem thằng Hương nó đã về chưa để gặp nó”.
 
Tại xã Nghi Tiến, Nghi Lộc (Nghệ An) - trong ngôi nhà của 3 thuyền viên vừa đoàn tụ với gia đình - cũng đông vui náo nhiệt. Những cái ôm thật chặt, câu chuyện hỏi thăm của bạn bè, hàng xóm khiến cho các thuyền viên rối vì trả lời. 
 
Trở về nhà sau hơn 18 tháng ở cõi chết, thuyền viên Trần Văn Hùng ở xóm 9, xã Nghi Tiến, Nghi Lộc, (Nghệ An) trông đen sạm với nhiều vết lang ben loang lổ và khuôn mặt hốc hác. Hùng kể: “Sau mấy ngày bị bắt, chúng bắt các thuyền viên lái thuyền đi lênh đênh trên các vùng biển giả làm tàu đánh cá để cướp các con tàu khác. Khi bắt được tàu khác thì chúng cũng giam giữ các thuyền viên khác và cướp đi những tài sản quý giá rồi vứt bỏ luôn những thân tàu không có giá trị trên biển”.
 
Sau khoảng 7-8 tháng lênh đênh trên biển không bắt thêm được tàu nào, toán cướp biển đưa các thuyền viên đến một hoang mạc và bắt họ phục vụ chúng như nô lệ.

Lúc nào súng cũng lăm le trước mặt, chúng bảo gì phải làm theo nấy, ai mà chống lại là bị đánh ngay. Có lần để bắt gọi điện về nhà đòi tiền chuộc, chúng trói, treo ngược thuyền trưởng lên rồi đánh đập. Có lần thì chúng bắt 1 người Việt Nam mình và 2 người Trung Quốc đi nơi khác và dọa các thuyền viên còn lại là đã bắn chết để đòi tiền chuộc sớm. Ai cũng lo sợ và nghĩ chắc sẽ phải bỏ mạng trên đất khách quê người này thôi”, Hùng hãi hùng nhớ lại.

Thuyền viên Lưu Đình Hùng ở xóm 8, Nghi Tiến, Nghi Lộc cho biết: “Mỗi tháng tháng chúng chỉ chia cho 26 thuyền viên một bì bột và một bì gạo khoảng 25 cân để nấu ăn. Hàng ngày chỉ dám nấu mỗi người một bát nho nhỏ vì sợ ăn nhiều hết. Cơm nấu xong lúc nào cũng có màu đất. Còn nước ngọt chúng mang đến thì có mùi của phân dê, uống xong ai cũng bị đi ngoài khiến sức lực cạn kiệt”.

Bà Võ Thị Nhị, mẹ thuyền viên Hùng, cười trong nước mắt: “Gia đình tôi hạnh phúc quá, như thấy cháu được sinh ra lần thứ hai vậy. Dù khó khăn, vất vả nhưng từ nay tôi sẽ không bao giờ để con tôi đi đánh bắt xa bờ thế này nữa. Lâu lắm rồi nó chưa được ăn bữa cơm do tôi nấu. Hôm qua nó cứ bảo tôi, con chỉ thích ăn cơm canh và cá chích tôi kho thôi...”

Dưới đây là một số hình ảnh 12 thuyền viên trở về từ tay hải tặc Somalia, PV Dân trí ghi nhận sáng nay 25/7:

 
... vừa cập bến cùng lúc đó người nhà đã trực sẵn cùng với PV để đón các thuyền viên...
Người thân ùa ra đón các thuyền viên...
 
...người chị đã khóc khi đã sờ thấy em mình sống thật rồi...
"Em mình sống thật rồi!"
 
...người chị đã khóc khi đã sờ thấy em mình sống thật rồi...
Thuyền viên Trần Minh Trí thắp nén hương tạ ơn ông bà tổ tiên đã cho anh trở về nhà an toàn
 
...mẹ sẽ không bao giờ để con đi nữa...
Mẹ thuyền viên Nguyễn Văn Hải ôm chặt lấy con: "Mẹ sẽ không bao giờ để con đi nữa..."
 
Gia đình thuyền viên Hồ Xuân Hương vui mừng khi con đã trở về...
 
Thuyền viên Vũ Văn Ba kể lại những ngày tháng bị bắt giữ...
Đoàn tụ
Thuyền viên Vũ Văn Ba kể lại những ngày tháng bị bắt giữ...
"Được trở về với gia đình em rất hạnh phúc, mình như được sinh ra lần thứ hai vậy", thuyền viên Trần Văn Hùng - xã Nghi Tiến, Nghi Lộc tâm sự. 

Bà con, hàng xóm đến chia vui với gia đình thuyền viên Lưu Đình Hùng.
Thuyền viên Lưu Đình Hùng - cháu đích tôn của cụ Trần Thị Tuân (80 tuổi) - đã về với gia đình.

 
Tú Tình - Hòa Duy