1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

1.243 xã và 50 huyện trên cả nước dự kiến sắp xếp, sáp nhập

Phùng Minh

(Dân trí) - Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp phương án của 56 địa phương trên cả nước cho thấy có 50 huyện và 1.243 xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập trong thời gian tới.

Ngày 27/2, thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và các địa phương trong năm 2024 là triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đến hết ngày 31/12/2023, 56/56 địa phương trên cả nước có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể về Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ và cơ quan liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án của các địa phương. Qua đó cho thấy số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 có một số thay đổi so với dự kiến ban đầu.

Trước đó, dự kiến có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp phương án, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 (11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề).

19 huyện do có yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp. Như vậy, theo Bộ Nội vụ, dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện.

Ngoài ra, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 (738 xã phải sắp xếp, 109 đơn vị hành chính cấp xã khuyến khích và 396 đơn vị liền kề).

515 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 xã.

1.243 xã và 50 huyện trên cả nước dự kiến sắp xếp, sáp nhập - 1

Theo phương án UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo Bộ Nội vụ vào tháng 12/2023, tại huyện Thanh Thủy sẽ sáp nhập xã Thạch Đồng và xã Xuân Lộc (Ảnh: Thái Lâm).

Bộ Nội vụ đánh giá, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do các địa phương tự đề xuất khá nhiều. Trong đó, 16 huyện và 109 xã không thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng các địa phương đã đề xuất sắp xếp lại.

Một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã dù thuộc diện phải sắp xếp nhưng sau khi rà soát, đánh giá nhiều yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, địa phương đã đề xuất không sắp xếp.

Số huyện, xã sắp xếp, sáp nhập trong năm 2024 không có biến động lớn so với dự kiến ban đầu.

Trên cơ sở phương án tổng thể, Bộ Nội vụ cho biết, các địa phương trên cả nước đang tập trung xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp để trình Chính phủ; dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 30/9/2024.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm