1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

12 tỉnh, thành nào đang yêu cầu dân không ra đường sau 18h?

Phạm Tâm

(Dân trí) - Để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, hàng loạt tỉnh thành phía Nam đang yêu cầu người dân từ 18h hôm trước đến 5h-6h sáng hôm sau không được ra đường, trừ trường hợp khẩn thiết.

12 tỉnh, thành nào đang yêu cầu dân không ra đường sau 18h? - 1

12 tỉnh, thành phía Nam yêu cầu người dân không ra đường sau 18h (Ảnh: Phạm Tâm).

Ngày 27/7, UBND Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre đã có thông báo yêu cầu người dân trên địa bàn tỉnh không được ra đường từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, trừ những trường hợp cần thiết. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động trong khung thời gian này.

Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 28/7 cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, tối 25/7, tại cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đưa ra chỉ đạo, từ ngày 26/7, sau 18h, người dân tuyệt đối không ra đường; tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng, trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 25-26/7, một số tỉnh, thành của ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, TP Long Xuyên (An Giang), TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) cũng đã ban hành quy định yêu cầu người dân trên địa bàn toàn tỉnh không ra đường từ 18h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau.

Người đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành phố yêu cầu lực lượng thực thi công vụ, lực lượng phòng chống dịch, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu được hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Trong thời gian này, người dân đi chợ mua hàng thiết yếu phải đảm bảo giãn cách, theo khung thời gian của phiếu mua hàng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng yêu cầu các lực lượng công an, quân sự, đoàn thể địa phương lập chốt barie chặn các tuyến đường cần thiết, các đường mòn, lối mở,... để đảm bảo duy trì người cách ly xã hội. Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đảm bảo thông tin các biện pháp phòng, chống dịch đến từng người dân trên địa bàn.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian cách ly, giãn cách, quan tâm các nhóm đối tượng yếu thế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Cạnh đó, quản lý chặt địa bàn, nhất là các khu cách ly, khu phong tỏa; các hộ gia đình có người cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, không để phát sinh ca nhiễm trong cộng đồng. 

Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, không để xảy ra các tệ nạn xã hội trong thời gian tập trung công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trường hợp các xã, phường, thị trấn lơ là, tổ chức thực hiện không nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn quản lý.

12 tỉnh, thành nào đang yêu cầu dân không ra đường sau 18h? - 2
12 tỉnh, thành nào đang yêu cầu dân không ra đường sau 18h? - 3

Cần Thơ: Một ngày phạt gần 550 trường hợp vi phạm, thu 1,2 tỷ đồng

12 tỉnh, thành nào đang yêu cầu dân không ra đường sau 18h? - 4

Chỉ riêng ngày 27/7, lực lượng chức năng của Cần Thơ xử phạt 1,2 tỷ đồng các trường hợp vi phạm.

Từ ngày 10/7 đến ngày 27/7, lực lượng chức năng Cần Thơ đã xử phạt đối với 2.976 trường hợp không thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.

Riêng ngày 27/7, qua công tác tuần tra, các lực lượng chức năng ở Cần Thơ, đã phát hiện và xử phạt 548 trường hợp vi phạm quy định trong thời gian giãn cách xã hội, với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo ngành chức năng, trong ngày 27/7, các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Cờ Đỏ, có tỷ lệ vi phạm khá cao với 397 trường hợp, chiếm 72%.

Người vi phạm các lỗi chủ yếu, như: không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy cách nơi công cộng, ra ngoài trong trường hợp không cần thiết.

Theo đại diện Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Cần Thơ, trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp, mục tiêu cao nhất của thành phố vẫn là chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. 

Vì vậy, chính quyền thành phố mong người dân bình tĩnh, sáng suốt, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, mỗi người thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg, và các quy định của pháp luật, khuyến cáo của cơ quan y tế và quy định của thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ, ngày 27/7 địa phương này ghi nhận thêm 116 ca nhiễm SARS-Cov-2, ngành chức năng đã truy vết 217 F1 và 60 F2.

Như vậy, từ ngày 8 đến 27/7, địa phương này có 948 ca nhiễm mắc Covid-19, 4 ca tử vong, 15 ca đã điều trị khỏi và xuất viện.