12 ngư dân đạp xe từ Nam Định về miền Tây, "mắc kẹt" ở Đắk Nông
(Dân trí) - Vượt quãng đường hơn 1.000 km bằng xe đạp, 12 ngư dân quê ở miền Tây (An Giang, Kiên Giang) đang trên đường từ Nam Định về quê nhà thì bị kẹt lại ở Đắk Nông.
Ngày 21/9, ông Phan Nhật Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk R'Lấp (tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin 12 ngư dân đi xe đạp từ tỉnh Nam Định về tỉnh Kiên Giang, An Giang tránh dịch, nhiều người dân đã hỗ trợ thuê xe để chở những người dân này về quê.
Tuy nhiên, hiện nay do các tỉnh phía Nam chưa cho người dân đi lại bình thường nên số công dân này phải quay trở lại địa phương.
Ông Thanh cho biết thêm: "Huyện tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông có công văn gửi các tỉnh thành phía Nam tạo điều kiện cho các công dân này đi qua, cũng như tiếp nhận công dân khi về đến quê nhà. Các công dân này được xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tất cả đã được bố trí nơi ăn nghỉ tạm chờ ngày lên đường".
Trước đó, vào ngày 20/9, người dân huyện Đắk R'lấp nhìn thấy một đoàn người gồm 12 người với 6 chiếc xe đạp, di chuyển theo hướng tỉnh Đắk Lắk về Bình Phước. Tuy nhiên, khi đến chốt kiểm soát dịch Cai Chanh (xã Đắk Ru), tất cả đều kiệt sức, thiếu ăn nên đã được cán bộ trực chốt hỗ trợ thực phẩm.
Sau khi làm test nhanh, cả 12 người này được huyện Đắk R'lấp bố trí một chiếc xe khách để chở về quê trong đêm 20/9.
Khi đến huyện Phú Giáo (Bình Dương), do là "vùng đỏ" nên nhóm công dân này không được đi tiếp. 12 công dân này được đưa trở lại Đắk Nông.
Anh Lữ Văn Trôi (quê huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, ngày 9/1, anh cùng 11 thuyền viên khác rời cảng cá Kiên Giang để đi biển và làm việc trên thuyền từ đó đến nay.
Do dịch bệnh nên chủ tàu không bán được cá, cũng không có tiền trả công cho anh Trôi và những thuyền viên khác. Đến đầu tháng 9, chủ tàu đã chở nhóm công dân này vào một cảng cá ở Nam Định để mọi người tự về quê.
"Khi lên bờ, chủ tàu trả cho mỗi người một triệu đồng tiền công và cho vay thêm một triệu đồng. 12 anh em góp tiền, mua 6 chiếc xe đạp trị giá 9 triệu đồng rồi thay nhau đạp xe từ Nam Định vào đến Đắk Nông.
Đi qua từng địa phương, mọi người trong đoàn có khi được hỗ trợ ăn ở, nhưng cũng có khi ngủ lại ven đường", anh Trôi kể lại.
Cũng theo người đàn ông này, trong đoàn người nhỏ tuổi nhất là 17 tuổi, lớn nhất là 48 tuổi. Tất cả đều thay phiên nhau đạp xe. Số tiền ăn cũng chia nhau để trả, nên khi về đến Đắk Nông, trong người chỉ còn vài trăm nghìn.
"Ở quê mọi người ít đọc báo nên không biết quy định về "vùng đỏ". Người thân ở nhà cũng rất lo lắng cho chúng tôi nên tất cả anh em đều mong muốn sớm được về quê", anh Trôi chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, trong số 12 người đi xe đạp phần lớn là người Khmer, trú tại hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Quãng đường mà nhóm các công dân di chuyển từ tỉnh Nam Định đến tỉnh Đắk Nông khoảng hơn 1.000 km.