Phú Yên:
12 hộ dân bị "treo" nhà bên bờ "vực"
(Dân trí) - Do khi thi công đường, việc đào đất hạ nền đường không đúng thiết kế khiến nhà của 12 hộ dân chênh vênh bên bờ "vực" dựng đứng.
Theo dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - Phú Yên, tuyến đường bê tông xi măng từ thị trấn Chí Thạnh đi xã An Lĩnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) dài gần 8km, rộng 3,5m với tổng kinh phí đầu tư hơn 24 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của tỉnh. Công trình được khởi công vào tháng 2/2012, theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm nay.
Những nhà dân như đang bị "treo" bên bờ vựcTrong thời gian triển khai, chủ đầu tư đã đền bù cho 249 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng với số tiền 3,2 tỉ đồng. Tuy nhiên khi đơn vị thi công tiến hành thực hiện việc đào đất hạ nền đường xuống đúng cao độ thiết kế đã làm 12 hộ dân thôn Phong Lãnh, xã An Lĩnh (nằm trong khu vực khoảng 300m tại km5+150 tuyến đường Chí Thạnh - An Lĩnh) - không thuộc diện đền bù, giải tỏa - nằm chênh vênh trên bờ vực gần như dựng đứng với độ sâu từ 5-10m.
Chỉ cần một chút sơ suất, khi mở cửa bước ra khỏi nhà, những người sống ở đây có thể lọt xuống vực sâu bất cứ lúc nào. Cũng bởi đường vào nhà quá cao nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Không chỉ phải thường xuyên cuốc bộ (do cao quá, xe máy lên không nổi), người dân còn phải vật vã gánh nước từ nơi khác về dùng bởi hầu hết nhà ở đây không có giếng khoan.
“Chỉ riêng việc chuyển nước thôi cũng đã huy động đến bốn người và mất cả buổi trời. Cứ hai ngày phải đi gánh nước một lần, tính ra một tuần, chúng tôi đã mất đến mấy ngày công” – một hộ dân than thở.
Ông Đặng Tấn Sinh (55 tuổi), một người bị tật nguyền bẩm sinh, vì con đường này mà khốn khổ. Do khoảng cách từ nhà ông Sinh đến mặt đường cao hơn 10m nên mỗi khi có việc đi đâu, ông phải dùng đôi nạng gỗ dò từng bước để xuống đường, bị ngã phải nằm một chỗ.
Ông Sinh ngán ngẩm cho biết: “Do nhà bị “treo” suốt gần ba tháng nay nên mọi người đều rất bức xúc. Mặc dù chúng tôi đã đề nghị chính quyền các cấp sớm có phương án di dời nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh cho biết: “Thôn Phong Lãnh, xã An Lĩnh là một trong số những nơi có kết cấu địa chất không ổn định, thường hay xảy ra tình trạng đất trụt, đất nứt. Do vậy, nhà của 12 hộ dân nằm chênh vênh trên cao so với mặt đường sẽ rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đến. Nếu chủ đầu tư chấp nhận bồi thường, di dời cho các trường hợp bị ảnh hưởng thì UBND xã An Lĩnh sẽ bố trí cho các gia đình này vào ở tại khu tái định cư của xã”.
Theo ông Ngô Đức Thiện, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT, khi triển khai nâng cấp đường từ thị trấn Chí Thạnh đi xã An Lĩnh, 12 hộ dân trên nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nên trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tuy An chưa tính tới việc di dời. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công thì phát sinh việc nhà dân bị đưa lên cao. Ban quản lý các dự án nông nghiệp đã báo cáo cho cấp trên để khảo sát, tìm cách giải quyết theo hướng di dời các trường hợp bị ảnh hưởng trước khi mùa mưa bão đến. Hiện chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công là Công ty TNHH An Hòa cấp tốc cho xe múc tạo dốc, tạo đường cho người dân đi lại thuận lợi hơn.
Văn Nhân