1. Dòng sự kiện:
  2. Đại hội Đảng bộ các cấp
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

12 chấp hành viên thi hành án ở Cà Mau xin nghỉ sớm

Thế Kha

(Dân trí) - Cà Mau hiện có 64 chấp hành viên thi hành án dân sự nhưng 12 người đã có đơn xin nghỉ theo Nghị định 178/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức khi sắp xếp bộ máy.

Ông Trần Đình Trường, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau, vừa thông tin như vậy. Việc này, theo ông Trường, sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với ngành thi hành án địa phương này.

"Thi hành án dân sự liên quan trực tiếp với người dân rất nhiều. Dù sau này có thể tống đạt các quyết định thi hành án qua ứng dụng VNeID, Zalo nhưng mức độ tiếp cận công nghệ thông tin ở Cà Mau so với cả nước còn rất thấp nên đây thực sự là khó khăn cho Cà Mau sau sắp xếp", ông Trường nói.

12 chấp hành viên thi hành án ở Cà Mau xin nghỉ sớm - 1

Ông Trần Đình Trường, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau (Ảnh: Phùng Minh).

Sau khi bỏ cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau dự kiến sắp xếp còn 5 thi hành án khu vực. Trong khi đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu sắp xếp thành 4 thi hành án khu vực. Hai cơ quan này vừa họp bàn sáp nhập.

"Đi từ đầu tỉnh Bạc Liêu hiện nay tới cuối Cà Mau cỡ 300km, rất xa. Bạc Liêu vừa qua đứng thứ 3 cả nước từ dưới lên về chỉ tiêu thi hành án, là kết quả rất thấp. Bạc Liêu có 27 cán bộ (trong đó có 14 chấp hành viên) xin nghỉ theo Nghị định 178", ông Trường nêu khó khăn.

Vì thế, lãnh đạo thi hành án Cà Mau mong muốn Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện các quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của ngành và thực hiện chính sách đối với cán bộ đã có đơn xin nghỉ việc.

Dù Cà Mau có quy mô dân số không lớn nhưng lại đứng thứ 7 cả nước về số lượng vụ việc phải thi hành án, theo thống kê 7 tháng qua, với tổng số 24.481 vụ việc và xếp thứ 15 toàn quốc với tổng số tiền phải thi hành án trên 7.870 tỷ đồng.

Mỗi chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau phải xử lý số lượng vụ việc rất nhiều, có người phải xử lý gần 1.000 vụ việc trong một năm.

"Con số này cho thấy áp lực công việc rất lớn mà đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành của tỉnh đang phải gánh vác", ông Trường nêu thực tế.

Sáp nhập tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu

Sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu được hợp nhất vào ngày 1/1/1976 với tên gọi ban đầu là Cà Mau - Bạc Liêu. Đến năm 1976, tỉnh được đổi tên thành Minh Hải.

Ngày 6/11/1996, Quốc hội phê chuẩn về việc tách tỉnh Minh Hải ra thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết sáp nhập tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, lấy tên gọi là Cà Mau, trung tâm hành chính đặt tại TP Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 7.942km2, rộng thứ 3 Đồng bằng sông Cửu Long; quy mô dân số trên 2,6 triệu người, có 64 đơn vị hành chính cơ sở (9 phường, 55 xã).