1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

10 năm phát triển xe buýt công cộng

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Trong một thập kỷ hoạt động, dịch vụ xe buýt công cộng đã có nhiều thay đổi đáng kể tại các thành phố lớn ở Việt Nam về cả số lượng và chất lượng dịch vụ.

Hành trình 10 năm

Cách đây 10 năm, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Thời điểm đó, xe buýt được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt và là nhiệm vụ chiến lược của các đô thị trong việc khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Năm 2012, thống kê của Vụ Vận tải - Bộ GTVT cho thấy cả nước có 54/63 tỉnh, thành có xe buýt, chia làm 627 tuyến xe buýt với trên 8.000 xe. Trong số này, Hà Nội có gần 1.300 xe, TPHCM có gần 3.000 xe, 52 tỉnh thành còn lại có hơn 3.000 xe. Xét theo tuyến, tính đến đầu năm 2012, Hà Nội mới có 65 tuyến xe buýt, còn TPHCM là khoảng 108.

Đến năm 2015, Hà Nội có 96 tuyến xe buýt, trong đó 75 tuyến trợ giá, 12 tuyến buýt không trợ giá và 9 tuyến buýt kế cận. Toàn mạng lưới có 1.546 xe buýt, dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều phương tiện cũ khiến lượng xả vào môi trường cao do trung bình hàng năm hệ thống tiêu thụ tới khoảng 20.000 tấn dầu diesel. TPHCM mở mới 12 tuyến xe buýt và điều chỉnh lộ trình 12 tuyến để phục vụ người dân.

Tính đến tháng 12/2022, mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội mới được nâng lên 154 tuyến, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến vòng quanh thành phố (city tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%), 65/75 bệnh viện (đạt 87%), 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%), 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt (100%), kết nối với 7 tỉnh thành lân cận.

Tổng số phương tiện toàn mạng là 2.263 xe. Các xe đến nay tuổi bình quân của đoàn phương tiện thấp chỉ dưới 4 năm, hầu hết đều trang bị các tiện ích phục vụ hành khách như hệ thống thông báo âm thanh (100%), thông tin bằng bảng LED (100%), wifi miễn phí, camera (100%).

Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 tại Hà Nội đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021.

10 năm phát triển xe buýt công cộng - 1
Xe buýt đã có nhiều thay đổi lớn hướng tới khách hàng trong suốt 10 năm qua (Ảnh: Ngân Kim).

Hiện nay, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng (xe buýt và đường sắt đô thị) của hành khách tại Hà Nội đã tăng từ 10,6% năm 2012 lên 18,5% trong năm 2022. Con số trên đã cho thấy thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân đang dần có sự thay đổi.

Ưu tiên cho xe buýt trên mặt đường

Nhìn lại 10 năm qua, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng chất lượng dịch vụ xe buýt đã được cải thiện rất lớn. Theo đó, mạng lưới tuyến đã được tăng lên và mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng xa hơn như các huyện ngoại thành. Đội xe cũng được đổi mới nhiều, xe mới chất lượng tốt hơn, công suất điều hòa được cải thiện. Lái, phụ xe đã hòa nhã và mang tính chất phục vụ cao hơn. Ngoài ra, phần mềm tìm buýt (Busmap Hà Nội) hoạt động đã giúp cho mọi người có thể tìm được hướng tuyến phù hợp cho lộ trình của mình.

Theo vị chuyên gia này, 10 năm trước, người cao tuổi, sinh viên là đối tượng phục vụ chính của xe buýt công cộng. Hiện tại, người đi làm văn phòng trên xe buýt đã phổ biến hơn. Tuy nhiên, để xe buýt có thể cạnh tranh được với phương tiện cá nhân thì ngoài việc cải thiện chất lượng dịch vụ, loại hình này cần được ưu tiên hơn về mặt đường.

10 năm phát triển xe buýt công cộng - 2
Xe buýt cần được ưu tiên trên mặt đường (Ảnh: Ngân Kim).

Xe buýt có nhược điểm phải đi bộ ở 2 đầu tuyến, nên để điểm bất lợi đó thắng được sự tiện dụng của phương tiện cá nhân, xe buýt cần được ưu tiên trên mặt đường.

Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội - từng trao đổi với báo chí rằng cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, đầu tư hệ thống điểm trung chuyển, đầu tư hệ thống vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh…

"Vấn đề luồng tuyến xe buýt cần sớm triển khai. Việc thuê đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố hiện đã được UBND TP chấp thuận về chủ trương", ông Thái Hồ Phương nhấn mạnh.

Trước mắt để cải thiện chất lượng xe buýt, ông Phương cho biết 217 xe buýt sẽ được đầu tư, thay mới đối với 25 tuyến, đưa thêm 97 xe buýt điện và 37 xe buýt chạy khí nén CNG vào hoạt động, nâng tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch lên 276 xe (chiếm 13,6%).