10 năm mất rừng bằng diện tích một xã, Cà Mau xin Trung ương "cứu" bờ biển

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong 10 năm qua, xói lở đã làm mất rừng ven biển của tỉnh này tương đương diện tích của một xã. Xói lở có xu hướng diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ngày 24/2, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh này vừa có tờ trình "hỏa tốc" gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xin hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này có bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Một trong những thách thức của biến đổi khí hậu mà tỉnh đang đối mặt là tình trạng xói lở bờ biển có xu hướng ngày càng tăng, đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển.

Thống kê của ngành lâm nghiệp cho thấy, giai đoạn 2011 - 2021 xói lở làm mất rừng ven biển Cà Mau khoảng 5.251ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh này); riêng năm 2021 bị sạt lở 300ha.

10 năm mất rừng bằng diện tích một xã, Cà Mau xin Trung ương cứu bờ biển - 1

Cà Mau hiện có nhiều điểm sạt lở bờ biển (Ảnh minh họa: HH).

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng cực đoan, thậm chí dị biệt, gây ra xói lở rất nghiêm trọng không diễn ra vào mùa mưa mà còn cả mùa khô.

Với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong vài năm tiếp theo xói lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm và uy hiếp hạ tầng bên trong.

UBND tỉnh Cà Mau thống kê, các khu vực bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45m - 50m/năm) cần phải có các giải pháp công trình bảo vệ ngay với chiều dài khoảng 132,5km; còn các khu vực sạt lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67km.

Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thêm các khu vực sạt lở rất nghiêm trọng tại khu vực cửa sông, cửa biển với diễn biến có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

"Những vị trí này cần phải triển khai cấp bách đầu tư xây dựng công trình xử lý xói lở nhằm bảo vệ an toàn cho các khu dân cư tập trung, các công trình hạ tầng quan trọng như đường Hồ Chí Minh… với tổng chiều dài gần 18km", UBND tỉnh Cà Mau nhận định.

Trước tình hình đó, trước mắt UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ tỉnh 970 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (nguồn vượt thu) để đầu tư hoàn thành các công trình chống sạt lở đặc biệt nguy hiểm nói trên.

Về lâu dài trong những năm tiếp theo, cần bố trí vốn hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau tiếp tục đầu tư 131,5km công trình chống sạt lở rất nguy hiểm còn lại (bờ biển Đông khoảng 64,5km, bờ biển Tây khoảng 67km).

Theo tờ trình của tỉnh Cà Mau, các dự án cần hỗ trợ cấp bách, gồm: Dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở cửa biển Hốc Năng (huyện Ngọc Hiển) dài 5km, vốn 186 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển đoạn từ Kênh Năm đến Kênh Chùm Gọng (huyện Ngọc Hiển) dài 5km, vốn 256 tỷ đồng; dự án đầu tư kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông tại những khu vực đặc biệt xung yếu (cửa biển huyện Đầm Dơi, cửa biển Kiến Vàng đến Vàm Lũng, cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy) dài gần 8km, vốn 528 tỷ đồng.