1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

10 năm, cả nước mất đi gần 100.000 người vì tai nạn giao thông

(Dân trí) - Thống kê của Bộ Công an cho thấy, toàn quốc đã có trên 4,1 triệu ô tô và trên 60 triệu mô tô được đăng ký, quản lý. 10 năm qua, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Công an nhân dân.

Báo cáo cho thấy, từ năm 2009 đến tháng 5/2019 lực lượng công an đã lập biên bản xử lý trên 53,5 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước gần 24.000 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe trên 3,4 triệu trường hợp, tạm giữ 15,3 triệu phương tiện.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, bắt và giao cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 5.228 đối tượng phạm pháp hình sự; trong đó về ma túy 729 đối tượng, cướp là 113 đối tượng, truy nã 26 đối tượng, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ 354 đối tượng và chống người thi hành công vụ 556 đối tượng...

Đồng thời thu nhiều tang vật gồm 14,6 kg, 367 bánh hê-rô-in, trên 473.000 viên ma túy tổng hợp; 3.290 kg thuốc nổ, 7.250 kg pháo, 127 súng quân dụng, 280 xe ô tô, 700 xe mô tô.

10 năm, cả nước mất đi gần 100.000 người vì tai nạn giao thông - 1
Ùn tắc giao thông xảy ra mỗi ngày ở Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo Bộ Công an, công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được xác định không chỉ là nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước mà còn là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ của ngành như: Tra cứu, xác minh, truy nguyên, thu thập chứng cứ, xử lý vi phạm... trong công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Trong thực tế, từ hoạt động đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trung bình mỗi năm, lực lượng công an nhân dân đã truy nguyên dấu vết làm căn cứ quan trọng để phá được hàng nghìn vụ án trộm cắp, giết cướp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, vận chuyển ma tuý và một số loại tội phạm khác.

Thời gian gần đây, ứng dụng hệ thống xử phạt “nguội” và xử phạt qua hình ảnh, công tác đăng ký, quản lý phương tiện đã góp phần tích cực phục vụ hoạt động xử phạt và nâng cao ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, thông qua công tác đăng ký xe cũng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với phương tiện của Việt kiều hồi hương, phương tiện ngoại giao...để nhập khẩu, trốn thuế.

Từ năm 2009 đến nay số phương tiện giao thông tăng nhanh chủ yếu là phương tiện cá nhân, trung bình mỗi năm sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông khoảng 10-15%, tăng nhanh tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Tính đến giữa tháng 4/2019 số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên trên 4,1 triệu ô tô và trên 60 triệu mô tô.

Đa số nạn nhân tai nạn giao thông là lực lượng đang trong độ tuổi lao động

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2009 đến tháng 5/2019 toàn quốc đã xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người.

“Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội”- Bộ Công an đánh giá.

Trong khi đó, kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn rất cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông.

Các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ. Toàn quốc đã xảy ra 528 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 7 người hi sinh, 166 người bị thương; lực lượng chức năng đã bắt 507 đối tượng.

“Điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, lái xe sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện; đi mô tô xe máy không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép để làm nơi buôn bán hoặc trông giữ xe.

Tình trạng làm đường đến đâu, xây nhà đến đó, xây nhà ven quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi”- Bộ Công an nêu thực trạng.

Thế Kha