1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Ùn tắc “đốt” 1,2 tỷ đô la mỗi năm

(Dân trí) - Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đánh giá, ùn tắc giao thông tại Hà Nội gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD/năm, trong khi không khí ô nhiễm gấp 5 lần.

Tại buổi Tọa đàm về mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại Hà Nội vào sáng nay 24/10, ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải) cho biết, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Chung, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định. Về thời gian đi lại của người dân, ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm.

Hà Nội: Ùn tắc “đốt” 1,2 tỷ đô la mỗi năm - Ảnh 1.

Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội vào giờ cao điểm ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh: Hữu Nghị)

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Chung cho biết là do mật độ dân số phân bố không đồng đều tập trung quá đông ở nội đô; tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang bất cập...

Cụ thể, TP Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô, trong đó trên 327.000 ô tô con. Giai đoạn 2010-2017, tốc độ phát triển 10% với ô tô và 8% xe máy trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, cơ sở hạ tầng của Hà Nội chưa thực sự đảm bảo phục vụ giao thông, nhiều hạ tầng phục vụ vượt thiết kế 6-7 lần.

Thực tế, tại Việt Nam hiện mới sử dụng 8,65% quỹ đất dành cho giao thông trong khi luật quy định, quỹ đất dành cho giao thông ở các đô thị là 16-26%, các nước tiên tiến quy định 20-25%.

Do đó, Trung tá Hùng cho rằng, việc quá tải là điều không thể tránh khỏi, trong khi đó tại một số nút giao, việc phân luồng chưa thực sự hiệu quả.

“Mật độ xây dựng chung cư cao tầng khiến mức độ quá tải ngày càng trầm trọng. Việc các phương tiện cá nhân tăng nhanh theo cấp số nhân cũng là nguyên nhân dẫn đến ách tắc”, Trung tá Hùng nói.

Để giảm ùn tắc giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP đã có quy hoạch cụ thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2010-2020. Hà Nội cũng đã và đang triển khai các dự án đường vành đai 1, 2, 3 cả trên cao và dưới thấp, đồng thời đầu tư xây dựng các tuyến đường xuyên tâm để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thủ đô, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Để có giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội được giao xây dựng đề án từ năm 2017 đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 phải xây dựng được thành phố văn minh, hiện đại, không còn ùn tắc giao thông.

Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2017-2018, tập trung thực hiện giải pháp tăng cường quản quản lý phương tiện giao thông và quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Từ năm 2017 đến 2030 từng bước hạn chế hoạt động của một số phương tiện trong một số khu vực và từ năm 2030 là cấm xe máy trên địa bàn một số quận trung tâm.

Quang Phong