1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“1 giờ sáng cũng nhận điện thoại tố cáo tham nhũng”

(Dân trí) - “Dân trí là tờ báo đầu tiên phản ánh về 3 đường dây nóng phản ánh, tố cáo tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định của Thanh tra Chính phủ. Báo đăng xong chưa lâu, tôi đã nhận liên tiếp những cuộc gọi của người dân. Có hôm 1h sáng cũng nghe điện thoại phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực của người dân" - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt nói.

 

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đang tiếp nhận một phản ánh, tố cáo tham nhũng của người dân (Ảnh: Thế Kha).
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đang tiếp nhận một phản ánh, tố cáo tham nhũng của người dân (Ảnh: Thế Kha).

Có mặt tại phòng làm việc của ông Phạm Trọng Đạt những ngày này, điều dễ nhận thấy nhất là tiếng chuông điện thoại reo liên hồi từ 3 chiếc điện thoại (một chiếc điện thoại cố định và hai điện thoại di động cá nhân của ông Đạt: 080.48228, 0902.386.999 và 0125.698.6688).

Gặp PV Dân trí, ông Đạt cười "mắng vốn": “Các cậu "làm khổ" tôi. Từ khi Dân trí phản ánh thông tin đến nay, tôi đã tiếp nhận trên 160 cuộc gọi từ mọi miền đất nước phản ánh các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, nghi tặng quà Tết trái quy định rồi. Chúng tôi đang cho phân loại và đề nghị người dân gửi thêm bằng chứng để có cơ sở xử lý triệt để”.

Vì quá bận rộn nên ông Đạt chỉ dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 30 phút, nhưng xen kẽ câu chuyện luôn có những cuộc gọi đến tới tấp.

“Ai gọi tới tôi cũng phải nghe. Mình không nghe, người dân sẽ phản ứng ngay, sẽ có người dân chê trách đường dây “nóng” Cục Chống tham nhũng mở ra lại trở thành đường dây “nguội” ngay”- ông Đạt tâm tư.

Phóng viên: Người dân phản ánh, tố cáo về những vấn đề, lĩnh vực gì nhiều nhất, thưa ông ?

Ông Phạm Trọng Đạt: Bây giờ Trung ương đang họp bàn về công tác nhân sự. Vừa qua Bộ Chính trị cũng đã có chỉ đạo rất rõ về việc phát hiện, xử lý tham nhũng, trong đó xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng. Coi tham nhũng để đánh giá tư cách của cán bộ, đảng viên. Chính vì thế các tố cáo liên quan tới tiêu cực, tham nhũng của cán bộ được người dân phản ánh nhiều tới các tổ chức đảng và bây giờ phản ánh tới chúng tôi cũng rất nhiều.

Mấy ngày gần đây tôi đã nhận trên 160 cuộc rồi. Tố cáo nhiều nhất là tố cáo lực lượng làm việc ở mặt đường, mãi lộ như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự đi thu tiền của dân ấy.

Người ta bảo “ông Đạt cứ đi theo tôi từ Nam ra Bắc thì bắt được rất nhiều người nhận hối lộ trên đường”. Cảnh sát trật tự đi bắt vi phạm vỉa hè, kinh doanh trái phép, rồi cảnh sát tới kiểm tra công trình xây dựng không thấy có thiết bị phòng cháy là cứ “thu” thôi. Người dân còn bảo “trước kia CSGT ra đứng vỉa hè chặn xe nhưng giờ đã ra đứng giữa đường chặn xe rồi, chúng tôi cảm thấy đau xót lắm”, ông là Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thử xem làm cách nào?

Với những trường hợp như thế, tôi luôn cảm ơn người dân đã phản ánh. Tôi nói việc này tôi không làm trực tiếp được mà chỉ phối hợp, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an để làm sao tăng cường kiểm tra trong ngành, chấn chỉnh lực lượng, thậm chí tổ chức đi phục kích, bắt việc này.

Rồi người dân còn phản ánh nhiều về lĩnh vực đất đai, xây dựng bây giờ theo kiểu  anh nào có tiền, đại gia này, đại gia kia cứ xây nhà thoải mái, trách nhiệm vô thời hạn, cứ lấn ra không bị xử lý gì, chỗ đẹp người ta vào, còn dân đen đuổi ra chỗ khác.

Rồi tình trạng buôn lậu ở các vùng biên giới, cửa khẩu quá nhiều, có dấu hiệu cảnh sát kinh tế, hải quan bao che. Người dân còn mời tôi xuống cảng Hải Phòng để xem việc kiểm tra xe chở container, có tiền thì không kiểm tra, cứ vô tư đi đi, không có tiền thì phải dừng lại, mở ra. Họ bảo tôi xuống đó họ sẽ cung cấp người đưa cho tài liệu, địa chỉ cụ thể. Người dân nói không biết bây giờ phải tố cáo những việc đó với ai, xử lý thế nào, bởi nhiều khi tố cáo bị trù dập. Chính vì thế nên họ phản ánh tới chúng tôi.

Người ta nói thế, tôi bảo tôi ghi nhận cái đó để phòng ngừa, nhưng đề nghị các bác, các anh chị có tài liệu nào, ghi âm, quay phim, hóa đơn,... thì gửi thêm cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ phối hợp, giao cơ quan khác liên quan, thậm chí lãnh đạo địa phương xử lý.

Có vụ việc người dân bảo kiện khắp nơi rồi, tôi thấy cơ sở của họ đúng thật thì lập tức chúng tôi yêu cầu cung cấp tài liệu, gửi qua bưu điện tới đích danh Cục trưởng Cục Chống tham nhũng để chúng tôi phân loại, thậm chí sẽ cho thanh tra ngay trong thời gian tới đây.

Các ông có lo ngại trong số những cuộc gọi phản ánh đó có cả những cuộc gọi mang tính chất tiêu cực, lợi dụng đường dây nóng chống tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định để bôi nhọ, hạ bệ, trả thù cá nhân nhau không ?

Vừa rồi chúng tôi nhận được phản ánh người này người kia tham nhũng. Họ còn nhắn tin tất cả các máy liên quan tới việc đó. Hay như vụ việc xây dựng nhà trái phép 9-10 tầng ở khu vực Hồ Ba Mẫu (Hà Nội) liên quan tới người thân một cựu lãnh đạo TP Hà Nội, người dân bảo phản ánh bao nhiêu năm nay không ai giải quyết, thậm chí gửi cả tới Tổng Thanh tra Chính phủ bao nhiêu lần rồi chưa giải quyết được. Tôi cũng chỉ nói với người dân là hãy gửi lại tài liệu cho tôi để xem xét lại. Có thể chúng tôi sẽ chuyển cho Hà Nội xử lý, chứ cái đó không phải tham nhũng. Người dân lập tức phản ứng: “Thế thì ông làm Cục trưởng Cục Chống tham nhũng để làm gì?”.

Cũng có trường hợp người ta hỏi ý kiến tôi, nói là sống gần nhà một ông trưởng công an, tối nào cũng thấy người người mang rất nhiều quà tới nhà riêng, trong đó có cả con gà Đông Tảo giá mấy triệu đồng. Ý người ta nói ông này trưởng đồn công an, đây là những người buôn bán bất hợp pháp, lấn chiếm lòng đường nên chắc là mang quà đến để quân ông này khỏi đuổi. Tôi bảo bây giờ chưa có bằng chứng nào cả, còn tự người dân đến đó là việc của người ta. Mình chỉ có cách giáo dục bằng cách ra quy chế nào đó, phải thông qua cấp trên của họ, như giám đốc công an chẳng hạn. Thế là tôi gọi điện cho giám đốc công an phản ánh lại câu chuyện đó, đề nghị họ ra quy chế về việc tiếp khách khứa ở nhà chẳng hạn, nhận tặng quà chẳng hạn sao cho phù hợp.

Việc đó mình có thể xác minh được, nhưng xác minh ra để làm cái gì, bởi mình không chứng minh được, không bắt quả tang được việc đó có vi phạm không. Biết đâu đó là vay mượn nhau hoặc đó là ông bác, ông chú, ông bạn chí thân, tình cảm cho nhau tới chơi nhà nhau cho chai rượu, con gà thì sao.

 

Có hôm 1 giờ sáng, đang ngủ với vợ tôi cũng phải nghe cuộc gọi phản ánh từ người dân... Mình không nghe người dân sẽ phản ứng ngay, bảo đường dây nóng lại trở thành đường dây nguội - ông Phạm Trọng Đạt tâm sự.
"Có hôm 1 giờ sáng, đang ngủ với vợ tôi cũng phải nghe cuộc gọi phản ánh từ người dân... Mình không nghe người dân sẽ phản ứng ngay, bảo đường dây nóng lại trở thành đường dây nguội "- ông Phạm Trọng Đạt tâm sự.

 

Trong số 160 cuộc phản ánh tới đường dây nóng Cục Chống tham nhũng, có bao nhiêu cuộc phản ánh đủ cơ sở hoặc người dân nói sẽ gửi thêm bằng chứng thuyết phục hơn?

Khoảng 1/3 là tin tưởng được. Tôi đã đề nghị họ cung cấp tài liệu. Họ hứa sẽ chuyển tài liệu qua bưu điện tới đích danh tôi và cơ quan tôi.

Các ông đã nhận được tài liệu nào chưa?

Có cái ở gần đây thì nhận được rồi.

Nó liên quan tới lĩnh vực gì, thưa ông?

Chủ yếu là đất đai, tham nhũng chia chác, thuế má.

Ông thấy người dân ở khu vực nào phản ánh nhiều nhất?

Một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Kon Tum. Đà Nẵng lại ít. Và các tỉnh miền núi trung du phản ánh nhiều.

Cục Chống tham nhũng phân loại, xử lý luôn chứ?

Tôi đã phê và giao luôn cán bộ trong Cục Chống tham nhũng nắm tình hình, đề xuất hướng xử lý cụ thể ngay rồi, xem cái này thì nên cho thanh tra ngay, cái này thì chuyển Bộ trưởng Bộ này, Bộ trưởng Bộ kia trả lời, xử lý, có cái phải chuyển chuyển Chủ tịch tỉnh trả lời...

Khi xử lý các vấn đề đó, các ông có ngại "động chạm" chỗ này, chỗ kia?

Chúng tôi không ngại gì cả. Chỉ có một cơ quan này quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng thôi. Công an chỉ là cơ quan điều tra vụ việc, còn chúng tôi là cơ quan quản lý nên được đề nghị bộ ngành, cơ quan chấp hành.

Ví dụ như khi nhận được phản ánh xe biển xanh ở tỉnh nào đó nào đó về Hà Nội tặng quà lãnh đạo chúng tôi có thể kiểm tra được ngay. Biết rõ trường hợp đó xảy ra ở đâu, tôi có thể điện thoại hỏi cơ quan quản lý chiếc xe đó, xem xe đó có cử đi công tác ở đâu không. Biển xe xanh xuất hiện ở một chỗ nào đó nhạy cảm, tôi có quyền hỏi xe đó có được điều đi công tác, đi làm việc gì đó đúng hay không...

Hay như ở Hà Nội này, tôi biết công an phường, công an quận dùng xe biển xanh chở cây đào thế to lắm, đẹp lắm đến nhà riêng lãnh đạo nào đó, tôi sẽ nói giám đốc công an thành phố thực hiện nghiêm công văn của chúng tôi ký về tặng quà, nhận quà và đề nghị cho kiểm tra ngay việc tặng cây đào thế đó thế nào, dùng tiền ở đâu, có dùng tiền nhà nước không?

Họ không dùng tiền nhà nước mà dùng tiền cá nhân thì làm sao xử lý?

Tất nhiên việc dùng tiền nhà nước hoặc tiền túi cá nhân để tặng quà trái quy định rất khó phân biệt. Người ta nói tình cảm thủ trưởng cấp dưới - cấp trên tặng nhau, dù bên trong ẩn ý có việc gì đó thì cũng rất khó tách cái đó. Nhưng sẽ phải có biện pháp để mang tính phòng ngừa, giáo dục chung.

Xin cảm ơn ông !

Thế Kha (thực hiện)