An Giang:

Vùng đất non nước hữu tình… tìm kiếm logo và slogan phát triển du lịch

(Dân trí) - Đến An Giang bạn mê mẩn với những cánh đồng bát ngát; lãng mạn với dãy Thất Sơn hùng vĩ và suy tư đến với Khu du lịch tâm linh Miếu Bà Chúa xứ… Dù ngành du lịch đang thăng tiến, An Giang đang ráo riết tìm kiếm logo và slogan phát triển ngành du lịch hơn nữa.

An Giang là tỉnh đầu nguồn của vùng châu thổ sông Cửu Long, nơi dòng Mêkong chia làm hai nhánh sông Tiền, sông Hậu mang phù sa theo mùa nước nổi hàng năm đổ về khi hiền hòa khi dữ dội, tạo nên những cánh đồng màu mỡ, trù phú; là một trong mười ba tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, nằm phía tây Nam bộ, cách thành phố Hồ Chí Minh 234 km.

An Giang không chỉ có vẻ đẹp của những cánh đồng bát ngát mà còn huyền bí, lãng mạn với dãy Thất Sơn hùng vĩ với biết bao huyền thoại; là tỉnh duy nhất ở Tây Nam Bộ có núi có rừng giữa đồng bằng, có sông rạch ao hồ và vùng biên cương với nhiều danh nhân, hảo hớn; nhiều truyền thuyết, huyền thoại, chuyện kể hấp dẫn, lý thú từ thời mở cõi, định cư, chống chỏi thiên tai, thú dữ, giặc khuấy nhiễu, giặc ngoại xâm… được lưu truyền trong dân gian đến ngày hôm nay.

Tượng Phật Di Lạc trên đỉnh Núi Cấm hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, cúng viếng...
Tượng Phật Di Lạc trên đỉnh Núi Cấm hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, cúng viếng...

Hiện nay, An Giang đang chú trọng phát triển du lịch với bốn khu điểm chính: Thành phố Long Xuyên – Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng với vệ tinh là huyện Chợ Mới và huyện Châu Thành; Thành phố Châu Đốc – Khu Di tích Văn hóa, Lịch sử và Du lịch Núi Sam (bao gồm Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, chùa Tây An, Lăng ông Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang; trong đó Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là điểm trọng tâm, hàng năm đón hơn 04 triệu lượt khách về cúng viếng và tham quan) với vệ tinh là huyện An Phú, thị xã Tân Châu, huyện Phú Tân và huyện Châu Phú;

Huyện Tri Tôn có đồi Tức Dụp, huyện Tịnh Biên với Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư; cây thốt nốt là sản vật đặc trưng của hai huyện này; Huyện Thoại Sơn – Khu Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – ba Thê gắn với Thạch đại đao nổi tiếng.

Đến An Giang vào mùa nước nổi, du khách không nên bỏ qua điểm tham quan hấp dẫn rừng tràm Trà Sư - một bức tranh thủy mặc độc đáo giữa đồng bằng
Đến An Giang vào mùa nước nổi, du khách không nên bỏ qua điểm tham quan hấp dẫn rừng tràm Trà Sư - một bức tranh thủy mặc độc đáo giữa đồng bằng

An Giang nổi tiếng với các lễ hội văn hóa như: Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chú xứ núi Sam, lễ hội Đua bò Bảy núi ở tri Tôn và Tịnh biên vào tháng 10 âm lịch; tết Ramadan của đồng bào Chăm vào tháng 5 âm lịch; lễ hội mùa nước nổi ở Búng Bình Thiên (huyện An Phú) vào cuối tháng 8 hàng năm; lễ Dolta của đồng bào Khmer…

Về An Giang, du khách còn có thể thưởng thức các đặc sản dân dã lạ miệng, đặc trưng của miền sông nước Nam bộ như mắm, khô bò, khô rắn, khô cá tra phồng; các sản phẩm từ cây thốt nốt như: đường thốt nốt, thạch thốt nốt, nước thốt nốt; bún cá Long Xuyên - Châu Đốc, chè bưởi Long Xuyên…

Dù ngành du lịch An Giang đang phát triển mạnh mẽ nhưng lãnh đạo tỉnh An Giang đang tập trung phát triển ngành công nghiệp không khói này bằng việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, tìm điểm nhấn, nhận diện riêng cho ngành du lịch An Giang…

Du khách còn biết đến An Giang với nhiều lễ hội độc đáo, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên và lễ hội Đua bò Bảy Núi ở huyện Tri Tô, Tịnh Biên vào tháng 10 âm lịch
Du khách còn biết đến An Giang với nhiều lễ hội độc đáo, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên và lễ hội Đua bò Bảy Núi ở huyện Tri Tô, Tịnh Biên vào tháng 10 âm lịch

Và để du khách trong và ngoài nước “nhớ” An giang và đến với An Giang, Sở Văn Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức cuộc thi tìm kiếm biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) cho Du lịch An Giang với giải nhất lên đến 50 triệu đồng.

Ông Đặng Đức Phong – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh An Giang cho biết: “Tổ chức cuộc bình chọn sáng tác logo và slogan du lịch An Giang nhằm chọn ra một logo và slogan có ý nghĩa, thể hiện rõ nét nhất chiến lược phát triển, sức hấp dẫn, lợi thế cạnh tranh của du lịch An Giang, thống nhất với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với An Giang”.

Được biết, cuộc thi đã nhận bài thi từ ngày 7/8 và hết hạn vào 1/12/2017. Nơi nhận tác phẩm dự thi gửi về Trung tâm Xúc tiến Du lịch An Giang, Số 14 Lê Triệu Kiết, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang. Điện thoại: 02963.852.668 – 852.669 Fax: 02963.852.669. Email: logoslogandulichangiang@gmail.com hoặc liên hệ cán bộ phụ trách: Nguyễn Phú Quới 0988.876.251

Nguyễn Hành