Quảng Ninh thí điểm "Đầu tư-sử dụng công": "Tiết kiệm" ngàn tỉ vẫn có công trình đẹp
Quảng Ninh cho nhà đầu tư thuê đất để xây trụ sở liên cơ quan, rồi thuê lại công trình theo giá thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Với cách thức này, tỉnh không phải bỏ ra cùng một lúc số vốn “khủng” trên,
cũng phải thành lập bộ máy để quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa…các công trình. Trong khi nhiều địa phương trích hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách để xây dựng trụ sở mới hoành tráng, thì đây là một cách làm đáng được khuyến khích, dù thế giới đã áp dụng từ rất lâu.
Không bỏ tiền vẫn có trụ sở đẹp
Ngày 2.12 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp với các sở, ngành và nhà đầu tư liên quan để nghe và cho ý kiến về phương án đầu tư, quản lý và vận hành trụ sở liên cơ quan số 3 và số 4 tại phường Hồng Hà, TP.Hạ Long, theo hình thức "Đầu tư tư-Sử dụng công".
Trong đó, trụ sở liên cơ quan số 3 (dành cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp) được giao cho Cty CP Tập đoàn Đầu tư Quảng Ninh đầu tư. Công trình gồm 2 tầng hầm và 23 tầng nổi, trên mặt bằng 1.140m2, với tổng diện tích sàn 31.022m2, có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Trụ sở liên cơ quan số 4 (dành cho các ban Đảng) được giao cho Cty CP Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư, gồm 3 khối nhà liên thông với nhau, mỗi khối có diện tích xây dựng 500m2, khối giữa cao 10 tầng, hai khối bên cao 7 tầng. Tổng diện tích sàn 18.063m2, với tổng mức đầu tư 267 tỷ đồng. Dự kiến, ngay trong tháng 12 này, cả 2 công trình sẽ được khởi công và hoàn thành sau 24 tháng.
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng thêm 2 trụ sở liên cơ quan trên là hết sức cần thiết do các cơ quan thiếu phòng làm việc hoặc trụ sở xuống cấp, cùng với việc gom các cơ quan nhà nước vào khu tập trung vừa tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của các cơ quan cũng như doanh nghiệp, người dân…, trong nỗ lực cải cách nền hành chính phục vụ của Quảng Ninh.
“Tuy nhiên, 767 tỉ đồng là một khoản tiền khá lớn, trong khi Quảng Ninh muốn dành dụm để đầu tư cho các công trình thiết yếu có tính lan tỏa cao hơn, như cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Móng Cái…” – ông Phạm Xuân Đài – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ninh – cho biết.
Cả hai vị trí trên hiện là đất công. UBND tỉnh Quảng Ninh cho các nhà đầu tư thuê để xây 2 trụ sở liên cơ quan, rồi sau đó thuê lại các công trình trên.
Theo ông Đài, hiện Sở Tài chính đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư về giá thuê, phí dịch vụ, thời gian hoàn vốn…, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của đôi bên. Giá thuê có thể điều chỉnh trên cơ sở biến động giá, lãi suất ngân hàng.
Dự kiến, hợp đồng kéo dài khoảng 30 năm. Theo tính toán, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong vòng 15 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư phải đại tu toàn bộ công trình một lần. Sau thời hạn 30 năm, nhà đầu tư bàn giao miễn phí công trình cho tỉnh; nếu muốn ký hợp đồng tiếp có thể đàm phán lại.
Nhất cử, lưỡng tiện
Ông Phạm Xuân Đài cũng khẳng định hoàn toàn yên tâm về chất lượng công trình bởi việc quy hoạch, thiết kế, giám sát công trình đều do các sở, ban ngành của tỉnh thực hiện.
Đây cũng là một trong những hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh đối với nhà đầu tư vì công tác làm quy hoạch, thiết kế, xin giấy phép xây dựng…mất rất nhiều thời gian, kinh phí; nhưng cũng là một cách để UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý chất lượng và giá cả công trình.
Ngoài việc không phải bỏ ra một khoản ngân sách “khủng” cùng một lúc, Quảng Ninh cũng không phải lập thêm ban bệ để quản lý, bảo dưỡng, duy tu…công trình, bởi việc này do nhà đầu tư đảm nhiệm. “Chính vì thế, các nhà đầu tư cũng không dám làm ẩu, lơ là trong quá trình thi công và khai thác tòa nhà, vì nếu không, thiệt hại kinh tế thuộc về họ” – một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Ông Phạm Văn Thể – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Tập đoàn Hoàng Hà, chủ đầu tư trụ sở liên cơ quan số 4 – cho biết, để yên tâm về mặt chất lượng, sẽ thuê đối tác nước ngoài giám sát công trình. Thừa nhận phải mạnh dạn mới dám đầu tư theo mô hình này, nhưng ông Thể cho rằng, đổi lại, với phương thức này, Cty hoàn toàn yên tâm về đầu ra.
Việc thí điểm triển khai xây dựng 2 trụ sở liên cơ quan trên theo mô hình “Đầu tư tư-sử dụng công” nằm trong chủ trương “những gì tư nhân làm được thì nhà nước không làm”, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, chuyển vốn các công trình động lực và ở vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời phát huy hiệu quả tối đa của các công trình.
Mô hình này, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, sẽ tiếp tục được nhân rộng, xuống cả cấp huyện trong thời gian tới – như một dấu chấm hết cho căn “bệnh” cơ quan, đơn vị nào cũng muốn bỏ tiền công xây trụ sở hoành tráng.
Theo Lao Động