Quảng Long (Hải Hà): Doanh nghiệp hỗ trợ người dân trồng chè

Nếu như trước đây trồng chè còn mang tính tự phát và nặng tính thủ công thì nay những người nông dân trồng chè ở xã Quảng Long đã có sự thay đổi về tư duy và cách làm.

Đó là, việc mở rộng diện tích sản xuất chè gắn liền với chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hoá trong khâu thu hoạch. Thay đổi tích cực này một phần nhờ sự hỗ trợ của Công ty TNHH Chè Thuấn Quỳnh. Doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật mà còn đảm trách một khâu quan trọng, đó là “đầu ra” của sản phẩm để người dân vùng chè ở Quảng Long yên tâm sản xuất.

Quảng Long (Hải Hà): Doanh nghiệp hỗ trợ người dân trồng chè
Bà Hà Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Chè Thuấn Quỳnh kiểm tra vườn ươm cây chè giống hỗ trợ cho bà con vùng chè Hải Hà, Đầm Hà.

Xã Quảng Long hiện có hơn 400ha đất trồng chè. Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ định hướng phát triển vùng chè nguyên liệu của huyện Hải Hà, xã Quảng Long đã tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu từ cơ cấu giống, chăm sóc, thu hái và chế biến. Đây là một bước tiến nhằm giảm bớt nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm chè của địa phương. Theo đó, toàn xã thực hiện chuyển đổi giống chè trung du lá nhỏ sang trồng các giống chè mới như Ngọc Thuý, Phúc Vân Tiên, PH10… cho năng suất cao hơn. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Chè Thuấn Quỳnh (Công ty Thuấn Quỳnh), mô hình trồng chè Ngọc Thuý bằng hình thức giâm cành đã được triển khai rộng rãi. Từ cuối năm 2013 đầu năm 2014, từ nguồn hỗ trợ này, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hải Hà đã triển khai trồng mới được 37ha chè Ngọc Thuý, trong đó có xã Quảng Long. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, người dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chè. Bà Đỗ Thị Thái, người dân trồng chè ở thôn 5, xã Quảng Long, chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 8 sào chè và bắt đầu chuyển đổi sang trồng toàn bộ giống chè Ngọc Thuý từ năm 2013 theo chương trình hỗ trợ cây giống, phân bón của Công ty Thuấn Quỳnh. Chúng tôi thấy giống chè mới này cho lá to, dày, năng suất gấp đôi và bán được giá hơn so với giống chè cũ. Cứ thu hoạch đến đâu, Công ty Thuấn Quỳnh thu mua đến đó với giá ổn định nên chúng tôi rất yên tâm chăm sóc đồi chè chứ không bỏ bê như mấy năm trước”.

Bên cạnh việc chuyển đổi giống chè mới, nhiều hộ dân trồng chè đã học hỏi cách làm của Công ty Thuấn Quỳnh đầu tư để cơ giới hoá trong khâu thu hái chè. Anh Trần Văn Ninh, một trong những hộ dân trồng chè lâu năm ở xã Quảng Long cho biết: “Trồng chè nhìn vậy thôi chứ cũng khá vất vả. Chỉ với hơn 1ha diện tích đất đồi trồng chè mà hàng năm gia đình tôi mất rất nhiều công đốn tỉa, cải tạo, chăm sóc cây chè. Đó là chưa kể đến lúc thu hoạch phải thuê nhiều nhân công thu hái chè. Mà thu hái thủ công nhiều lúc bị chậm khiến chè bị “quá lứa” bán không được giá”. Năm 2012, gia đình anh Ninh đã mạnh dạn đầu tư gần 20 triệu đồng để mua máy hái chè về phục vụ cho sản xuất của gia đình. Anh Ninh cho biết thêm: “Từ khi có máy thu hái chè, việc thu hoạch nhàn nhã hơn nhiều và thu hái kịp thời nên đảm bảo chất lượng chè. Đồng thời không phải thuê mướn nhân công hái chè như trước đây, thu hái chè bằng máy giúp chè lên đều, nhiều búp hơn. Thu nhập từ chè của gia đình mỗi năm cũng được gần 200 triệu đồng”. Việc sử dụng máy hái chè giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây chè nên bà con nông dân tiếp cận rất nhanh. Đến nay, toàn xã Quảng Long đã có gần 100 máy hái chè. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sự hỗ trợ thiết thực của Công ty Thuấn Quỳnh hiện sản lượng chè trên địa bàn xã Quảng Long đã đạt gần 7.000 tấn/năm, tương ứng giá trị sản xuất đạt gần 50 tỷ đồng. Điều đáng mừng là nhiều hộ gia đình trồng chè đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Theo báo Quảng Ninh