Mô hình du lịch cộng đồng ở Quảng Nam thu hút khách thập phương
(Dân trí) - Qua 3 năm triển khai thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền Quảng Nam giai đoạn 2011-2013”, ngày 10/12, dự án đã báo cáo kết quả đạt được và tham vấn ý kiến để xây dựng kế hoạch hoạt động tiếp theo.
Đây là dự án do Chính phủ Luxembourg tài trợ thông qua đối tác là Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và sự tham gia nhiều ngành, đoàn thể của tỉnh Quảng Nam với mục tiêu giảm nghèo thông qua tạo việc làm bền vững trong ngành du lịch. Đối tượng mà dự án nhắm đến không chỉ là phụ nữ, thanh niên mà còn nhiều đối tượng khác tham gia ở các huyện vùng sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam.
Dự án tập trung vào các huyện phía tây của tỉnh, nơi mà du lịch sâu trong đất liền nhận được rất ít sự quan tâm và cơ hội nghề nghiệp để phát triển. Các cộng đồng tại các huyện miền núi, sâu trong đất liền có rất ít cơ hội về du lịch để cải thiện sinh kế của họ.
Ước tính thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Quảng Nam trong năm 2010 khoảng 780 USD/năm, trong khi mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước là 1.169 USD/năm. Thu nhập tại các làng mục tiêu của dự án còn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của tỉnh. Thu nhập của các làng dân tộc Cơtu thậm chí ít hơn 100 USD.
Ông Lê Duy Thắng – Phó Chủ tịch huyện Đông Giang, nơi có hai làng văn hóa người Cơtu là Bhơhôông (xã Sông Kôn) và Đhơ Rôồng (xã Tà Lu) được khai trương vào tháng 6 vừa qua từ sự hỗ trợ của dự án, cho biết với sự hỗ trợ của dự án đã góp phần khôi phục và phát triển hai làng nghề truyền thống của huyện là dệt thổ cẩm, đan lát; qua đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Cơtu.
Dự án cũng đã tạo ra 44 lao động tại chỗ có việc làm ổn định, 4 gia đình có dịch vụ homestay cho du khách. Thông qua dự án đã có sự thay đổi rõ rệt tác động tích cực đến đời sống người dân.
Ông Thắng cũng cho rằng nhờ sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của du khách, chất lượng sản phẩm được nâng lên nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn gấp nhiều lần. Trước đây, khách đến tham quan không lưu trú qua đêm, nay du khách lưu trú qua đêm và còn được thưởng thức các điệu múa của đồng vào dân tộc, được ăn cơm lam, uống rượu cần, mua các sản phẩm địa phương làm quà lưu niệm…
“Dự án được thực hiện trong vài năm qua với những hoạt động tích cực đã góp phần làm cho người dân tiến bộ về nhận thức và đời sống của nhân dân 2 thôn Bhơhôông (xã Sông Kôn) và Đhơ Rôồng (xã Tà Lu)”, ông Thắng cho nói.
Ông Thắng cũng cho hay từ khi đưa vào hoạt động đến nay, doanh thu của hai làng nghề đạt 180 triệu đồng và giúp các thành viên trong tổ hợp tác có thêm thu nhập gia đình tăng thêm 700 ngàn đồng/tháng.
Công Bính