Quảng Nam:

Khảo sát tài nguyên du lịch vùng Gò Nổi

(Dân trí) - Ngày 29/12, Sở VH-TT&DL Quảng Nam và UBND thị xã Điện Bàn đã tổ chức một chuyến khảo sát vùng Gò Nổi nhằm giới thiệu thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch của khu vực này đến các chuyên gia, đơn vị lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

Đây là sáng kiến của lãnh đạo thị xã Điện Bàn nhằm tham vấn ý kiến của các đại biểu về những ý tưởng, định hướng phát triển du lịch khu vực Gò Nổi trong tương lai.

Gò Nổi là vùng đất địa linh nhân kiệt, bởi trên một diện tích không rộng lớn nhưng dày đặc những tên người, tên đất in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa. Dường như nơi đâu cũng bắt gặp dấu xưa của những nhân kiệt đã làm rạng danh xứ Quảng, tô thắm non sông Việt Nam.

Khảo sát tài nguyên du lịch vùng Gò Nổi - 1
Các đơn vị lữ hành khảo sát vùng Gò Nổi
Các đơn vị lữ hành khảo sát vùng Gò Nổi

 

Đó là Hoàng Diệu, vị phó bảng học rộng tài cao, vị Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành. Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sĩ; chí sĩ Trần Cao Vân, với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân; nhà yêu nước Phan Thành Tài...

Lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ
Lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ

 

Các tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, các phó bảng Ngô Chuân (tức Ngô Lý), Dương Hiển Tiến làm nên kỳ tích “Ngũ Phụng Tề phi” lừng lẫy mọi thời đại, tô đậm thêm truyền thống hiếu học của người dân xứ Quảng. Các danh thần triều Nguyễn - Lê có Lê Đình Đỉnh là nhà ngoại giao tài ba và là thân sinh y sĩ - liệt sĩ Lê Đình Dương cùng bác sĩ - cư sĩ Lê Đình Thám.

Các nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh; Hoàng Hữu Nam (còn gọi là Phan Bôi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đầu tiên của Việt Nam. Có bà Nguyễn Thị Bình - là phụ nữ làm Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992-2002). Có các nữ Anh hùng Trần Thị Lý là Anh hùng LLVTND, có anh hùng Nguyễn Trọng Nghĩa được ví một Phan Đình Giót của miền Nam và nhiều anh hùng mà sử sách đời đời ghi nhớ.

Khảo sát tài nguyên du lịch vùng Gò Nổi - 4
Nghề đan lát ở địa phương
Nghề đan lát ở địa phương

 

 

Là chiến trường xưa, Gò Nổi còn ghi bao chiến công của quân và dân Quảng Nam thắng giặc xâm lăng; là hành lang và là chiếc nôi của cách mạng Khu V, nơi in bao dấu tích bi hùng của những vụ thảm sát: Kho Muối, Lò Gạch Trừng Giang mà giờ đây đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa.

Người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất Củ Chi - nhì Gò Nổi” để đo mức độ ác liệt của chiến tranh và đo phẩm chất anh hùng của những người con quyết trụ bám với ruộng vườn thôn xóm, quyết “một tấc không đi, một li không rời”.

Khảo sát tài nguyên du lịch vùng Gò Nổi - 6

 

Gò Nổi còn được biết đến với những làng nghề một thuở “theo sông”, như cuộc đi của đời người như: làng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; làng trồng mía và làm đường bát; làng làm mây tre và gỗ mộc… Ngang qua những bến, những làng, gom nhặt được rất nhiều câu chuyện về làng nghề truyền thống - làng nghề mới của những con người gắn bó ở vùng đất này.

Khảo sát tài nguyên du lịch vùng Gò Nổi - 7

 

Với tiết diện dày đặc những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, với những cái tên lừng lẫy trong lòng người dân Việt, Gò Nổi có tiềm năng phát triển thành một vùng du lịch văn hóa - lịch sử - làng quê.

Du khách muôn phương có thể đến với Gò Nổi để được ngắm nhìn dòng sông Thu Bồn đã đi vào huyền thoại, ngắm hoàng hôn trên những cánh đồng lúa xanh tươi rợp trắng cánh cò; được nhìn thấy những nàng thôn nữ xinh đẹp sau chiếc xe quay óng ánh tơ vàng... Và sẽ được nghe và chứng kiến những di tích lịch sử về những bậc vĩ nhân, anh hùng của dân tộc đã được sinh ra trên quê hương Gò Nổi...

Khảo sát tài nguyên du lịch vùng Gò Nổi - 8

 

Ngoài ra, vùng Gò Nổi còn có sông Thu Bồn từ nguồn đổ về đến làng Giao Thủy (Duy Xuyên - Đại Lộc) rẽ ra làm hai nhánh, một dòng về Kỳ Lam (Điện Bàn); một dòng về Kiểm Lâm, La Tháp - Duy Xuyên (quê hương của nhà thơ Bùi Giáng), tạo ra một vùng Gò Nổi hình cái thoi. Bắt đầu từ làng La Kham – Điện Quang đến chót dải đất là làng Hà Mật - Điện Phong. Từ đó hai dòng sông nhập chung lại, chảy về cửa Đại, qua TP Hội An.

Vùng Gò Nổi còn nhiều di tích khác như mộ cụ Phạm Phú Thứ (thôn Đông Bàn, xã Điện Trung), nhà tưởng niệm và mộ cụ Hoàng Diệu (thôn Xuân Đài, xã Điện Quang), mộ cụ Lê Đình Dương (thôn Na Kham, xã Điện Quang)... cùng các đình, làng có tên tuổi khác trên vùng.

Sau khi khảo sát, đại diện các đơn vị lữ hành đã có những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hạ tầng cũng như dịch vụ hấp dẫn để nơi này sẽ là điểm đến trong tương lai.

Các di tích lịch sử ở vùng Gò Nổi
Các di tích lịch sử ở vùng Gò Nổi

 

Theo ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam – muốn vùng Gò Nổ thành điểm đến trong thời gian tới cần xây dựng phim tư liệu quảng bá tiềm năng du lịch Gò Nổi, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (bến tàu) tại Gò Nổi, Hiệp hội du lịch Quảng Nam kết nối các lữ hành tự làm tour đi khảo sát...

Theo đại diện lãnh đạo thị xã Điện Bàn cho biết, sẽ chọn 1 điểm đến tại Gò Nổi để xây dựng dự án du lịch trong năm 2016, tiếp đến sẽ phục hồi các nghề trồng thống, phát triển hàng nông sản, đầu tư nhà hàng với ẩm thực sản vật địa phương, lưu trú...

Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn – cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là tổ chức các đợt khảo sát điểm đến để tạo hiệu ứng trong nhân dân về phát triển du lịch; cải tạo hạ tầng, cảnh quan các tuyến đường chính vùng Gò Nổi.

“Về nhiệm vụ lâu dài quy hoạch du lịch Gò Nổi; xác định loại hình du lịch tạo điểm nhấn xây dựng đó là du lịch cộng đồng; khai thác tuyến đường sông, kết nối tuyến từ Hội An đến Triêm Tây đến cụm làng nghề Đông Khương đến Gò Nổi lên làng Đại Bình và Hòn Kẽm Đá Dừng”, ông Hà phát biểu.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm