Huyện Bình Liêu: Quyết tâm trở thành điểm sáng mới trên bản đồ du lịch

.2015 là năm có nhiều dấu ấn đối với ngành du lịch của huyện Bình Liêu: UBND tỉnh ra quyết định ban hành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn huyện; huyện tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp vào nghiên cứu, đầu tư phát triển dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 xác định tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch, tiếp đó Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ra Nghị quyết số 01-NQ/HU - nghị quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ mới để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch, phấn đấu để Bình Liêu trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Quảng Ninh.

ông ty Du lịch quốc tế Sen Việt Zentour tổ chức cho khách du lịch tham quan tuyến thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô.
ông ty Du lịch quốc tế Sen Việt Zentour tổ chức cho khách du lịch tham quan tuyến thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô.

Công ty Du lịch quốc tế Sen Việt Zentour tổ chức cho khách du lịch tham quan tuyến thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô.

Để phát triển du lịch, ngay từ đầu năm, huyện Bình Liêu đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện. Ngay sau đó, huyện đã chủ động lập hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị công nhận tuyến, điểm du lịch trên địa bàn; thuyết minh các tuyến, điểm du lịch và lập bản đồ tuyến, điểm du lịch trên địa bàn. Đặc biệt nhất, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU - nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới để phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đây là sự thể hiện quyết tâm của Bình Liêu trong việc xây dựng huyện trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.

Theo nghị quyết được ban hành, Bình Liêu sẽ tập trung phát triển du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, đường biên giới và đặc biệt là bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn như: Di tích danh thắng thác Khe Vằn (xã Húc Động); đỉnh Cao Ba Lanh, thác Sông Moóc A, thác Sông Moóc B, thác Khe Tiền (xã Đồng Văn); di tích lịch sử đình Lục Nà và cây đa Lục Hồn (xã Lục Hồn)… và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian như: Lễ hội đình Lục Nà; diễn xướng Then của người Tày, hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; hát Sán Cố của người Dao… Qua đó, huyện sẽ phát triển các loại hình như: Du lịch sinh thái, du lịch biên giới, du lịch cộng đồng… trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Huyện cũng đã lên kế hoạch xây dựng 8 điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn, 8 điểm du lịch này sẽ được kết nối với nhau thành 3 tuyến du lịch chính. Mỗi tuyến du lịch sẽ được xây dựng theo một chủ đề riêng biệt như: Du lịch tổng hợp, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số, du lịch khám phá, trải nghiệm mạo hiểm… tạo sự lựa chọn phong phú và sự hứng khởi cho du khách lựa chọn tham quan.

Từ đầu năm 2015 đến nay, huyện Bình Liêu đón 2,2 vạn lượt du khách, ước cả năm đạt 3 vạn lượt. Huyện cũng đã đón 10 đoàn khách theo tour với gần 300 lượt du khách. Ngoài Công ty du lịch Nam Phong đã có tour cố định đưa khách đến Bình Liêu, các công ty du lịch khác cũng đã bắt đầu đưa khách đến, kết hợp khảo sát du lịch Bình Liêu như: Asean Travel, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Biển Đông, Công ty Du lịch quốc tế Sen Việt Zentour… Điều đó phần nào cho thấy sức hút của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Huyện Bình Liêu đang quyết tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch và thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư đến với Bình Liêu để sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác các tuyến, điểm du lịch. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành Quy hoạch phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án bảo tồn giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó là các bước đi đầu tiên cho hình thức du lịch cộng đồng như: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cung cấp các dịch vụ lưu trú (homestay); phục vụ văn hoá, nghệ thuật (dân ca, dân vũ), sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP...; giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với xoá bỏ các phong tục lạc hậu để tạo ấn tượng cho du khách. Huyện cũng đang tích cực phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tuyển chọn, biên tập và in ấn tuyển tập văn học, nghệ thuật về Bình Liêu; tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch cũng như các thương hiệu sản phẩm của huyện.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, trong hội nghị xúc tiến đầu tư của huyện đã có 14 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư là 1.168 tỷ đồng được ký kết, 50% trong số đó là dự án phát triển du lịch. Hiện huyện đang chỉ đạo chuẩn bị tổ chức lễ hội hoa sở. Với những hoạt động tích cực nêu trên, du lịch Bình Liêu chắc chắn sẽ phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Minh Hà

Báo Quảng Ninh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm