Hội An: Bế mạc Festival làng gốm Thanh Hà 2018

(Dân trí) - Ngày 21/8, tại Công viên đất nung Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) đã diễn ra buổi tọa đàm “Bảo tồn và phát triển các làng gốm truyền thống trong bối cảnh du lịch” và bế mạc “Festival gốm Thanh Hà 2018” sau 2 ngày diễn ra thành công tốt đẹp.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện 9 làng gốm đỏ và sành trên toàn quốc; các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng…

Tọa đàm “Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh phát triển du lịch” và bế mạc “Festival gốm Thanh Hà 2018”
Tọa đàm “Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh phát triển du lịch” và bế mạc “Festival gốm Thanh Hà 2018”

Tại buổi tọa đàm, đại diện của các làng gốm đã có những chia sẻ thiết thực, cấp thiết về vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị của làng gốm địa phương mình trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình bảo tồn gốm kết hợp phát triển du lịch, đặc biệt là địa phương đang làm rất tốt trong công tác này, đó là làng gốm Thanh Hà (Hội An).

Đại diện làng gốm Phước Tích chia sẻ về công tác bảo tồn, phát triển và những khó khăn làng gốm đang gặp phải
Đại diện làng gốm Phước Tích chia sẻ về công tác bảo tồn, phát triển và những khó khăn làng gốm đang gặp phải

Đại diện làng nghề gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), ông Đoàn Quyết Thắng chia sẻ: Làng cổ Phước Tích là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận làng di sản cấp quốc gia. Nghề gốm Phước Tích trở thành một khâu quan trọng trong chuỗi tham quan khám phá làng cổ Phước Tích, du khách đặc biệt yêu thích quảng diễn nghề gốm truyền thống. Qua những lần tham dự festival làng nghề truyền thống, hội chợ gốm Phước Tích đã có thành công, đạt doanh thu cao.

Đại diện đơn vị bảo trợ cho nghề gốm M’Nông đang dần thất truyền, hiện nay chỉ còn 3-4 người làm nghề
Đại diện đơn vị bảo trợ cho nghề gốm M’Nông đang dần thất truyền, hiện nay chỉ còn 3-4 người làm nghề

Theo ông Thắng, nghề gốm Phước Tích hiện cũng có nguy cơ dần mai một, thiếu lao động trẻ yêu nghề và mong muốn được truyền thụ, phát huy truyền thống làng nghề; tư duy nghề gốm còn thủ công, chưa có những bước đột phá bắt kịp xu hướng thị trường; cơ sở vật chất còn hạn chế; chưa chủ động được thị trường tiêu thụ…

Các nghệ nhân làng nghề cùng các họa sĩ, nhà điêu khắc… được vinh danh tại Festival
Các nghệ nhân làng nghề cùng các họa sĩ, nhà điêu khắc… được vinh danh tại Festival

“Hiện chúng tôi đang lên rất nhiều phương án để trình cấp trên xem xét, phê duyệt nhằm phát triển, bảo tồn làng nghề gắn với du lịch; góp phần nâng cao đời sống người dân làng nghề, kêu gọi-thu hút thêm nhiều đối tượng trẻ quay về góp phần xây dựng, phát triển - bảo tồn làng gốm quê hương…”, ông Thắng trăn trở.

Hiện làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, Hội An) đang thực hiện khá tốt công tác bảo tồn nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách đến làng gốm đạt 310.976 lượt khách, doanh thu từ vé gần 9 tỉ đồng. Lượt khách tham quan liên tục tăng qua các năm, đời sống người dân địa phương cũng ngày càng được nâng cao.

Hội An: Bế mạc Festival làng gốm Thanh Hà 2018 - 5
Hội An: Bế mạc Festival làng gốm Thanh Hà 2018 - 6
Hội An: Bế mạc Festival làng gốm Thanh Hà 2018 - 7
Các nghệ nhân làng nghề cùng các họa sĩ, nhà điêu khắc… tham gia tại “Festival gốm Thanh Hà 2018”
Các nghệ nhân làng nghề cùng các họa sĩ, nhà điêu khắc… tham gia tại “Festival gốm Thanh Hà 2018”

Ông Nguyễn Văn Tú - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà, TP Hội An - chia sẻ, để có thể có được những thành công như ngày hôm nay, chính quyền cùng người dân làng nghề đã có những bước đi thăng trầm, nỗ lực hết mình. Mà quan trọng hơn hết, đó chính là sự đồng thuận cao của người dân làng nghề, đặc biệt là các nghệ nhân đã có thâm niên, tâm huyết với nghề gốm truyền thống cha ông.

Các công việc được thực hiện từng bước, ban đầu là bảo tồn làng gốm, các nghệ nhân cao tuổi sẽ chia sẻ “bí quyết” nghề cho thế hệ sau để cùng nhau “giữ nghề, giữ làng”…; tiếp đó là sự quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch “hòa nhập nhưng không hòa tan”-thay đổi tư duy, cải tiến mẫu mã thu hút khách du lịch nhưng vẫn không làm mất cái “chất” đặc trưng làng nghề…

Một gian trưng bày của gốm Vĩnh Long
Một gian trưng bày của gốm Vĩnh Long

“Chúng tôi đã may mắn khi có được sự ủng hộ, đồng thuận từ người dân, đặc biệt là những người con luôn hết mình với làng như nghệ nhân Nguyễn Lành, Nguyễn Văn Ngữ…và KTS. Nguyễn Văn Nguyên (chủ Công viên đất nung Thanh Hà)…”, ông Nguyễn Văn Tú phát biểu.

Trong ngày 20/8, cũng đã diễn ra lễ bế mạc Festival gốm Thanh Hà 2018 sau 2 ngày tổ chức thành công.

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Văn Lanh – Trưởng phòng VH-TT TP Hội An - khẳng định, Festival gốm Thanh Hà 2018 đã diễn ra thành công, tốt đẹp thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo nhân dân cùng khách du lịch. Sau kỳ Festival thành công lần này, chắc chắn những năm sau chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các kỳ festival lần 2, lần 3….

“Festival gốm Thanh Hà 2018 là cơ hội để 9 làng nghề gốm đỏ và sành trên cả nước có cơ hội giao lưu, học hỏi cùng nhau. Hy vọng, với những lần tổ chức sau sẽ thu hút được nhiều làng nghề gốm tham gia hơn nữa, phát huy làng nghề gốm truyền thống vươn xa, thúc đẩy sự phát triển làng nghề”. ông Nguyễn Văn Lanh phát biểu.

N.Linh