Du lịch trực tuyến và những phân khúc còn bỏ ngỏ
(Dân trí) - Mặc dù công cụ du lịch trực tuyến hiện nay đã hỗ trợ rất nhiều cho khách hàng đặt tour du lịch. Nhưng hai đối tượng là gia đình có con nhỏ và người cao tuổi vẫn tìm đến tận các phòng tour để được tư vấn. Nhiều phân khúc khách hàng vẫn chưa thật thỏa mãn với các công cụ trực tuyến.
Gia đình có con nhỏ và người cao tuổi ngại du lịch tự túc
Những ngày giữa tháng 5, khi nhiều dự định cho một kỳ nghỉ hè được lên kế hoạch, ngoài việc tìm hiểu thông tin từ các trang mạng, app du lịch… thì việc đến tận phòng tư vấn tour vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng, nhất là khách hàng lớn tuổi, gia đình có con nhỏ.
Diễn viên Lê Phương kể về chuyến du lịch tự túc của mình
“Tôi năm rồi đi Singapore tự túc do có cháu bên đó. Nhưng thật sự là quá nhiều thứ phải lo từ khách sạn, di chuyển, chỗ ăn, mua sắm…Về nhà tính ra gấp đôi giá tour của công ty. Tôi vừa thanh toán nửa tiền cho phòng tour công ty du lịch để đi Thượng Hải - Hàn Châu”, bà Lao Lệ Uyên, 68 tuổi ngụ quận 6, TPHCM chia sẻ.
Người cao tuổi và trẻ em là hai đối tượng khách rất đặt biệt. Chính vì thế việc thiết kế tour phục vụ cho hai đối tượng này đòi hỏi có sự am hiểu về tâm lý và tinh tế trong khâu tổ chức.
Ngại thanh toán trực tuyến vì... sợ rủi ro
Bà Nguyễn Thị Thùy (76 tuổi, ngụ Tân Bình, TPHCM) vừa xem thông tin tour vừa chia sẻ: “Già rồi có biết công nghệ đâu. Con cháu nó mở máy tính cho mình xem tour ở nhà nhưng thấy không đã. Ra đây, mấy cháu nó tư vấn thấy nhiều tour hấp dẫn quá. Tôi đã đi 3 nước nên phòng tour giảm cho 800.000 đồng chi phí VISA. Chuyến đi tháng 6 tới có bé cháu 8 tuổi, mấy cháu tư vấn cũng giảm cho 2 triệu, còn được tặng cái va li rất đẹp. Bởi thế ra tận nơi thích hơn!”.
Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó TGĐ đơn vị lữ hành Vietravel dự đoán: “Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ phục vụ 270.000 khách vì nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực từ các chương trình kích cầu, khuyến mại. Điểm đến được nhiều du khách lựa chọn chính là khu vực Đông Nam Á, trong nước thì có con đường di sản dọc miền Trung”.
Thông tin từ đơn vị lữ hành TST cho biết, thống kê lượng khách truy cập online thông qua các nguồn về website cho thấy số khách vào trực tiếp chiếm 50%, số còn lại qua công cụ tìm kiếm và Facebook, trong đó Facebook đang dần chiếm ưu thế.
“Từ đây cho thấy tham khảo thông tin từ online vẫn là cách du khách chọn khi tìm hiểu thông tin tour nhưng việc thanh toán đang là một rào cản thúc đẩy phát triển thanh toán trực tuyến. Bởi lẽ, những rủi ro về thẻ ngân hàng càng làm cho khách hàng thêm sự cảnh giác và cẩn thận hơn. Đó chính là lý do vì sao du khách vẫn duy trì hình thức giao dịch truyền thống là mua trực tiếp. Cần tháo gỡ cần nút thắt này bằng sự an toàn trong hệ thống thanh toán ngân hàng”. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông – Marketing TST nêu lý do khách hàng chưa thật sự chuộng thanh toán trực tuyến.
Có thể nói, cao điểm hè bắt đầu từ giữa tháng 5 nhưng ngay từ sau Tết không khí chuẩn bị cho Hè đã rộn ràng. Các phòng ban tại các đơn vị lữ hành phải làm việc đến 8, 9 giờ đêm, hoạt động hết công suất.
Phạm Nguyễn