Định hướng sản phẩm du lịch ở Mũi Cà Mau

(Dân trí) - Cà Mau đang triển khai xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch nhằm tạo ra điểm nhấn để hút khách trong và ngoài nước đến tham quan Mũi Cà Mau- vùng cực Nam Tổ quốc.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, Mũi Cà Mau có vị trí rất quan trọng, là một phần của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, là điểm du lịch mang tính địa lý, văn hóa, danh thắng và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước, là địa danh thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Video: Khu du lịch Mũi Cà Mau.

 

Mũi Cà Mau hiện có điểm du lịch nổi bật nhất là Công viên văn hóa du lịch (VHDL) Mũi Cà Mau; hàng năm lượng khách đến đây tăng từ 12- 15%, đã góp phần quan trọng cho Cà Mau trong quá trình phát triển du lịch cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau cũng nhận định, thời gian qua, sản phẩm du lịch ở Công viên VHDL Mũi Cà Mau chậm phát triển, thiếu đồng bộ, còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chưa khai thác được thế mạnh, tiềm năng, thu hút và giữ chân khách du lịch. Chính vì thế, việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch ở Công viên VHDL Mũi Cà Mau nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng, phong phú, phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu lịch sử, văn hóa,…cho du khách trong và ngoài nước.

Biểu tượng Mũi Cà Mau.
Biểu tượng Mũi Cà Mau.

Hiện nay, các sản phẩm đang được khai thác chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm Công viên VHDL Mũi Cà Mau và một số hộ dân làm du lịch cộng đồng. Với các sản phẩm như: tham quan chụp ảnh lưu niệm (tham quan cột mốc cực Nam Tổ quốc, chụp ảnh biểu tượng Cà Mau, kè chống sạt lở, nơi ngắm được mặt trời mọc và lặng,…); trải ngiệm (các hoạt động sạc sò, câu cá, bắt ba khía, xổ vuông, đặt lợp cua,…); mua sắm quà lưu niệm (các sản phẩm khô từ biển, các loại đũa, muỗng làm từ chất liệu cây đước, vẹt; các sản phẩm bằng thủy tinh, móc khóa, biểu trưng,…); ẩm thực (có 2 nhà hàng phục vụ khách thưởng thức các món ăn như cá dứa kho, cháo hàu,…).

Khu vực cực Nam Tổ quốc tại Mũi Cà Mau.
Khu vực cực Nam Tổ quốc tại Mũi Cà Mau.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau đánh giá, Mũi Cà Mau có rất nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các vùng phụ cận có diện tích rộng lớn, với lợi thế phần lớn diện tích nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là Khu Ramsa thứ 5 của Việt Nam. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố đặc trưng về tự nhiên, về vị trí địa lý, về văn hóa, hệ sinh thái, về sản vật.

Các loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng mà Mũi Cà Mau có thể khai thác như du lịch cộng đồng; du lịch nghiên cứu khoa học; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp các hoạt động từ thiện, tình nguyện; du lịch khám phá; du lịch địa lý và tâm linh…

Cột mốc tọa độ ở Mũi Cà Mau.
Cột mốc tọa độ ở Mũi Cà Mau.

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau định hướng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi giai đoạn 2015 - 2020.

Về sản phẩm tham quan: Tham quan, khám phá sự đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tìm hiểu về hệ động, thực vật tiêu biểu của Vườn Quốc gia; tham quan nhà tiêu bản nghe thuyết minh đặc điểm sinh trưởng và phát triển của thực vật đặc trưng của Vườn; Tham quan du lịch vị trí địa lý cực Nam Tổ quốc: Nghe thuyết minh về điểm độc đáo, hấp dẫn đặc biệt và duy nhất của Việt Nam cùng đón bình minh và hoàng hôn tại một điểm; lên vọng lâm đài chiêm ngưỡng vẽ đẹp vươn xa ra biển của rừng- nơi chót Mũi Cà Mau; nghe kể chuyện về sự tích “dã tràng xe cát”, câu cá giải trí trên bờ kè; Tham quan và chụp ảnh lưu niệm Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi, nghe thuyết minh về kết cấu thiết kế và ý nghĩa của việc xây dựng công trình Cột cờ Hà Nội; Trải nghiệm hoạt động lướt ván sạc sò, nghêu trên bãi bồi; nghe thuyết minh về quá trình bồi đắp của phù sa- nơi rừng lấn biển mỗi năm khoảng 80m; Tham gia hoạt động “trồng cây gây rừng” tại Khu I, là dịch vụ được cấp chứng nhận và thu phí chăm sóc cây; Tham quan trải nghiệm một ngày làm nông dân tại các hộ du lịch cộng đồng: trải nghiệm bắt ba khía, xổ vuông, đặt lợp cua, bắt sò- vọp, ngắm các loài chim di trú; Tham quan biển ven bờ Mũi Cà Mau; Tham quan trải nghiệm mô hình làng rừng ở Mũi Cà Mau.

Nhà hàng thủy tạ.
Nhà hàng thủy tạ.

Về sản phẩm lưu niệm: Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương (đũa đước, vẹt…); quà tặng (mật ong, rượu trái giác,…); bản đồ du lịch, biểu tượng Mũi Cà Mau, các biểu trưng bằng thủy tinh,…); các loại mũ tai bèo, nón kết, áo thun, quạt giấy,…; các sản phẩm làm từ gỗ địa phương, mô hình các loài động vật sống ở rừng ngập mặn biển Cà Mau.

Về sản phẩm ẩm thực: Các loại khô cá biển đặc trưng của Cà Mau (tôm khô, khô cá thòi lòi, khô cá bớp, khô mực, khô cá rúng, khô cá đuối,…); các loại mắm (mắm cá chim, mắm tôm, ba khía muối,…); các loài ốc len, hàu, vọp, sò huyết, nghêu, ốc móng tay,…; đặc sản cua Cà Mau, ghẹ biển, cá dứa, cá chẽm,…; thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản tươi sống của địa phương như ốc len xào dừa, cháo hàu, sò huyết rang muối, vọp hấp gừng, lẩu riêu cua, ba khía rang me,…

Vọng lâm đài, nơi có thể nhìn toàn cảnh Mũi Cà Mau.
Vọng lâm đài, nơi có thể nhìn toàn cảnh Mũi Cà Mau.

Hy vọng, với việc xây dựng các sản phẩm du lịch nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy, phát triển thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, du lịch ở Đất Mũi Cà Mau- nơi mảnh đất cực Nam cuối cùng Tổ quốc.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm