ĐBSCL: Tìm cách phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Hôm nay, 20/4 tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo “Tầm nhìn du lịch do lịch ĐBSCL hiện đại, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” do UBND TP Cần Thơ phối hợp tập đoàn Novaland, Boston (The Boston Consulting Group – BCG) và Ngân hàng Quân đội tổ chức.

Ông Lê Văn Tâm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo
Ông Lê Văn Tâm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Tâm – Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm đầu tư phát triển du lịch, nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch gắn với biến đổi khí hậu.

“Du lịch vùng ĐBSCL có bước phát triển khá ấn tượng đạt được kết quả quan trọng, song việc đầu tư, khai thác chưa được kết nối một cách tổng thể dưới gốc độ của vùng, còn thiếu chiến lược về thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày…; tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước”, ông Tâm nói.

Ông Tâm cũng cho biết, biến đổi khi hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của người dân vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng; hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, khô hạn, sạt lở…ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sự phát du lịch du lịch. Do vậy, đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp đồng bộ mang tính cả vùng, nhằm giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa du lịch phát triển nhanh và bền vững. “Hội thảo hôm nay nhằm để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến và đề xuất những giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tâm cho biết.

Tại hội thảo, ông Christopher Malone -Trưởng khối Phát triển Kinh tế Toàn cầu của BCG Malone đã trình bày ba chủ đề chiến lược để xây dựng các đề xuất du lịch gồm: "Nghỉ dưỡng trên sông", "Safari ĐBSCL" và "Khám phá sinh thái – nông nghiệp"; và biện pháp để cải thiện số lượt khách đến và chi tiêu du lịch trong khu vực.

Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo
Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo

Ông Christopher Malone đưa ra cảnh báo rằng cần phải có một khuôn khổ cho sự bền vững của môi trường trong chiến lược: “Tính bền vững không thể là giải pháp chữa cháy. Tài sản lớn nhất của khu vực là cảnh quan độc đáo và đa dạng sinh học; sự tăng trưởng của số lượt khách đến và sự phát triển cơ sở hạ tầng cần phải được quản lý để đảm bảo giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và những gì được ban tặng của khu vực.”

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh ĐBSCL có nhiều tài sản du lịch quý giá, cả về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, ... và có thể được phát triển phù hợp với các xu thế lớn trên thế giới, có thể kể đến như việc trở lại với thiên nhiên, thích khám phá đa dạng văn hóa và sinh thái, chú ý cải thiện sức khỏe, ưa thích sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Hội thảo đã xác định tính kết nối yếu là tác nhân chính đang làm nghẽn sự phát triển và kêu gọi các bên liên quan tăng cường mở các đường bay đến sân bay quốc tế Cần Thơ và đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến còn lại của cao tốc TP.HCM - Cần Thơ.

Đồng thời, ĐBSCL cần phát triển một hệ thống lưu trú, các sản phẩm du lịch kết nối, và các ý tưởng sản phẩm du lịch độc đáo, đột phá và khác biệt được đề cập trong buổi hội thảo. Kỳ vọng trong thời gian tới ĐBSCL sẽ khẳng định vị thế đáng có trên bản đồ du lịch thế giới, và trở thành điểm đến của khu vực, Châu Á và thế giới.

Phạm Tâm