Cà Mau: Hiến kế phát triển du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

(Dân trí) - Ông Trần Hiếu Hùng- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Cụm trưởng du lịch phía Tây ĐBSCL cho rằng, cần tổ chức những diễn đàn thu hút đầu tư du lịch riêng. “Thông qua diễn đàn này, mỗi một tỉnh có bao nhiêu con gái đẹp thì đem ra khoe cho các phò mã lựa chọn”, ông Hùng ví von.

Tại hội nghị sơ kết Cụm du lịch phía Tây các tỉnh ĐBSCL diễn ra mới đây tại tỉnh Bạc Liêu, nhiều lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) các địa phương đã tỏ ra băn khoăn khi sự phát triển du lịch của cụm phía Tây chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Ông Bùi Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho rằng, tỉnh Bạc Liêu có nhiều khu, điểm du lịch rất đặc thù, không nơi nào có được. Và như tỉnh Kiên Giang có biển, đảo cũng khác biệt. Tuy nhiên, một số địa phương khác còn trùng lắp sản phẩm du lịch. Như đi đến Vĩnh Long có sản phẩm tát ao, bắt cá thì khi qua Bến Tre cũng giống như thế.

“Do đó, vai trò của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL là rất quan trọng, là đầu mối xây dựng đề án làm sao để mỗi tỉnh có sản phẩm đặc thù riêng, đừng trùng lắp sẽ tạo điểm nhấn, thu hút khách”, ông Thái nêu quan điểm.

Ông Bùi Quốc Thái- Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, vẫn còn nhiều địa phương sản phẩm du lịch bị trùng lắp.
Ông Bùi Quốc Thái- Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, vẫn còn nhiều địa phương sản phẩm du lịch bị trùng lắp.

Theo ông Phạm Thế Triều- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang, ngành du lịch 5 năm nay đã có phân công rồi, sinh thái miệt vườn thì Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long về đến Cần Thơ là miệt vườn đô thị; còn An Giang làm tâm linh, sinh thái đồi núi; Đồng Tháp, Long An thì đất ngập nước; Cà Mau rừng ngập mặn;…

“Còn đờn ca tài tử thì hầu như ở 21 tỉnh, thành phía Nam đều có. Bạc Liêu có cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu nên để nghiên cứu cao siêu thì Bạc Liêu là điểm chính để phát triển đờn ca tài tử. Còn đại trà thì tỉnh nào cũng có thể làm được để phục vụ du khách. Không lẽ bây giờ khách đi du lịch đến An Giang ăn uống xong rồi lại chạy xuống Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử”, ông Triều nói.

Do đó, theo ông Phạm Thế Triều, trách nhiệm vai trò của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL là làm sao rà soát, thống nhất lại trước sau cho logic việc này. “Điều quan trọng là những gì tập thể làm hiệu quả nhất, hợp tác những cái khó nhất, còn tự làm được và làm tốt thì các tỉnh hỗ trợ nhau”, ông Triều đề nghị.

Bạc Liêu với Khu nhà Công tử Bạc Liêu...
Bạc Liêu với Khu nhà "Công tử Bạc Liêu"...
... và tỉnh Kiên Giang có biển, đảo (trong ảnh là Dinh Cậu ở Phú Quốc) được cho là những tỉnh có nhiều điểm du lịch đặc thù riêng ở khu vực ĐBSCL.
... và tỉnh Kiên Giang có biển, đảo (trong ảnh là Dinh Cậu ở Phú Quốc) được cho là những tỉnh có nhiều điểm du lịch đặc thù riêng ở khu vực ĐBSCL.

Theo ông Du Tố Tuấn- Giám đốc Vietravel Bạc Liêu-Cà Mau, xoay quanh đối tượng phục vụ thì cần nhắm đến sản phẩm nào dành cho người trong nước, sản phẩm nào dành cho người nước ngoài.

“Thói quen của người nước ngoài họ thích trải nghiệm nhiều hơn là việc hưởng thụ. Còn tâm linh chủ yếu dành cho người trong nước. Và thường chúng ta còn làm cái gì có để bán, chứ chưa nghiên cứu nhu cầu thực tế của du khách như thế nào, nên cần thay đổi thói quen này”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Còn ông Cao Tấn Dũng- Phó Giám đốc Công ty Fiditour Cần Thơ thì cho rằng, một sản phẩm du lịch cần phải liên kết với tất cả từ nhà hàng, nơi lưu trú,, điểm tham quan,… để đáp ứng nhu cầu tiện lợi nhất của du khách.

Chiêm ngắm Khu điện gió Bạc Liêu.

Trong khi đó, ông Trần Hiếu Hùng- Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, Cụm trưởng Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL cho rằng, con người làm du lịch có, tâm huyết có thừa, nhưng chúng ta đang gặp nhiều khó khăn từ hạ tầng đến sản phẩm,… để cho du lịch của cụm cất cánh.

"Nếu như Bạc Liêu có điện gió thì Cà Mau có rừng ngập mặn, An Giang có tâm linh Núi Cấm, Hậu Giang có kênh xáng Xà No, Sóc Trăng có chùa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer,… Mỗi nơi có thế mạnh khác nhau, đã có liên kết, đã tạo thành chuỗi, sản phẩm kết nối được các doanh nghiệp lữ hành… nhưng xét về tiềm năng phát triển thì vẫn chưa như mong muốn", ông Hùng trăn trở.

Do đó, theo ông Trần Hiếu Hùng, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ trì tổ chức những Diễn đàn thu hút đầu tư du lịch riêng, bởi hiện chỉ mới có doanh nghiệp lữ hành chứ chưa có những nhà đầu tư lớn. “Chúng ta muốn thông qua diễn đàn này, mỗi một tỉnh có bao nhiêu của cải trong nhà, bao nhiêu con gái đẹp thì đem ra khoe cho các phò mã lựa chọn”, ông Hùng ví von.

Theo Cụm trưởng Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL, nhà đầu tư muốn đầu tư vào tỉnh nào cũng được nhưng phải đầu tư trọng tâm, mang tính chiến lược, có sức lan tỏa trong khu vực, bởi tỉnh nào cũng đầu tư du lịch nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thỏa mãn kỳ vọng của chúng ta.

Ông Trần Hiếu Hùng- Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, Cụm trưởng Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL (ngoài cùng bên phải) đề nghị cần tổ chức Diễn đàn thu hút đầu tư riêng cho ngành du lịch.
Ông Trần Hiếu Hùng- Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, Cụm trưởng Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL (ngoài cùng bên phải) đề nghị cần tổ chức Diễn đàn thu hút đầu tư riêng cho ngành du lịch.

Ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nêu quan điểm: “Làm du lịch làm sao lay động được trái tim thì mới thu hút, khiến du khách bỏ tiền ra để thưởng thức”. Do đó, để các điểm du lịch phát triển, có sản phẩm đặc trưng hút khách thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND các tỉnh, thành chứ không chỉ là Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm