Bát Tràng tràn ngập "Quan Công, Lỗ Trí Thâm..."
(Dân trí) - Làng gốm sứ Bát Tràng xưa nổi tiếng đất Thăng Long với nghề gốm sứ ngàn năm tuổi, ngày nay ở Bát Tràng đang “rộ lên” nghề làm tượng gốm với Quan Công, Lỗ Trí Thâm, hay Thần Trà…
Đến làng nghề Bát Tràng, người ta không chỉ được ngắm nhìn những sản phẩm bằng gốm truyền thống như bát đĩa, ấm chén, lục bình… mà du khách còn được chiêm ngưỡng hình dáng của những vị anh hùng nổi tiếng như Quan Công, Khổng Minh, Lỗ Trí Thâm hay các tượng thần Di Lặc, Phúc Lộc Thọ hay tượng Thần Tài…
Theo các nghệ nhân ở làng gốm Bát Tràng, để chế tác ra được những bức tượng gốm sứ là cả một quá trình lâu dài, mà người thợ gốm phải tốn nhiều công sức.
Người chế tác tượng gốm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp và vất vả mới có thể cho ra lò một sản phẩm ưng ý. Ở Bát Tràng không phải ai cũng có thể chế tác được tượng gốm, mà chỉ có những người nghệ nhân làng gốm khéo tay cùng với những kinh nghiệm, khéo léo và có con mắt nghệ thuật cao mới có thể làm ra cốt một bức tượng hoàn hảo. Đó là quá trình sáng tạo ra một bức tượng mẫu thật đẹp mắt và có độ thẩm mỹ cao.
Sau khi công đoạn trên được hoàn thành, theo các nghệ nhân trong làng để sản phẩm thô được khô, thời gian để mỗi sản phẩm được khô cũng tùy thuộc vào kích thước mỗi bức tượng và thời tiết. Trung bình mất khoảng 5 đến 7 hôm đối với những bức tượng nhỏ và 15 hôm đến 1 tháng với những bức tượng to hơn.
Và cuối cùng là công đoạn nung. Trước tiên người nghệ nhân cho sản phẩm vào lò nhỏ để thử xem màu sắc sản phẩm có được như ý hay không. Khi đã đạt được màu sắc đẹp, thì bắt đầu vẽ hàng loạt. Vẽ xong, để khô và bắt đầu xếp vào các tấm kê và cho vào lò đốt. Thời gian nung kéo dài khoảng một ngày, một đêm. Nhiệt độ đốt của lò có lúc cao từ 1200 đến 1300 độ C.
Gốm sứ Bát Tràng là sản phẩm hết sức độc đáo bởi vẻ đẹp tinh sảo và độ bền chắc của nó. Đồ thủ công mỹ nghệ này đạt tới đỉnh cao về hội họa. Mỗi hình mỗi dáng, mỗi tác phẩm đều mang một vẻ đẹp, sự khéo léo tinh túy của người thợ Bát Tràng.
Bài, ảnh: Hữu Thắng