1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tăng tuổi hưu, lao động nữ sẽ lợi hay thiệt?

(Dân trí) - “Khảo sát thực hiện năm 2018 của Tổ chức lao động quốc tế cho thấy, trong 176 quốc gia, số lượng quốc gia có tuổi hưu của nam và nữ bằng nhau đang có xu hướng tăng nhanh. Ngược lại, số lượng các quốc gia quy định tuổi hưu nam nữ chênh lệch như Việt Nam đang có xu hướng giảm xuống…”

Tăng tuổi hưu, lao động nữ sẽ lợi hay thiệt? - 1

Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Anh Tuấn

Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá về tính bình đẳng trong việc điều chỉnh tuổi hưu trong dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 tại Hội thảo về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 8/8 tại Hà Nội.

Phân tích ở nhiều khía cạnh, ông Phạm Trường Giang cho rằng, về cơ bản, việc tăng tuổi hưu là điều tất yếu và có lợi đối với lao động nữ.

Quan sát về góc độ lương hưu, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng, với thời gian tham gia BHXH từ 28 năm tới 28 năm 11 tháng trở xuống, mức lương hưu của nữ cao hơn nam.

Vì sao tăng tuổi hưu vào lúc này?

“Với thời gian đóng BHXH từ 23 năm tới 23 năm 11 tháng: Đang có 1.144 người nữ hưởng mức lương hưu bình quân là 3,7 triệu đồng/người; tương ứng với lao động nam là 1.035 người với lương hưu bình quân của nam là 2,4 triệu đồng/tháng. Như vậy với với thời gian 23 năm tới 23 năm 11 tháng đóng BHXH, lương hưu bình quân của nữ cao hơn nam 156 %” - ông Phạm Trường Giang phân tích.

Tuy nhiên, thống kê với nhóm hưu trí có thời gian đóng trên 30 năm, lương hưu của nữ chỉ bằng 83 % của nam. Bởi thời gian đóng của nữ ít hơn nam.

“Do đó, tổng cộng lương hưu bình quân tất cả năm đóng BHXH nữ luôn chỉ bằng khoảng 84 % của nam giới” - ông Phạm Trường Giang cho biết.

Tăng tuổi hưu, lao động nữ sẽ lợi hay thiệt? - 2
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Anh Tuấn)

Về thu nhập, báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, thu nhập của nữ thấp hơn nam khoảng 15 % (năm 2011) và 12,4 % (năm 2014). Điều này dễ hiểu bởi tuổi hưu của nữ hiện thấp hơn nam giới 5 năm. Bởi thời gian tham gia BHXH cũng ít hơn nam giới.

Trả lời về câu hỏi người lao động có khả năng đáp ứng được việc tăng tuổi hưu hay không?

Ông Phạm Trường Giang cho rằng, thống kê số liệu điều tra về hộ gia đình năm 2016 cho thấy: 60 % người từ 60 - 69 tuổi tiếp tục làm việc; 30 % người từ 70-79 tuổi vẫn làm việc và 1 % người trên 80 tuổi vẫn tiếp tục làm việc. Như vậy, nhu cầu làm việc của người cao tuổi là hiện hữu.

Về ý kiến cho rằng sức khoẻ người Việt Nam có thể đáp ứng được hay không? Ông Phạm Trường Giang cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới thống kê tháng 6/2018 trên 160 tiêu chí của 142 quốc gia cho thấy, số năm khoẻ mạnh sau tuổi 60, Việt Nam xếp thứ 41/183 quốc gia. 

“Tại Châu Á, Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng. Điều này chứng minh sức khoẻ, khả năng làm việc sau 60 tuổi của người Việt Nam không ít và cũng thể thiện thành tựu của ngành y tế thời gian qua” - ông Phạm Trường Giang nói.

Khẳng định với phương án đề xuất tăng tuổi hưu: Từ 01/01/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của của nam là 62 vào năm 2028, ông Phạm Trường Giang cho rằng: "Chúng ta sẽ có 8 năm với nam và 15 năm với nữ để bắt đầu tuổi hưu mới. Lộ trình này cũng tạo bước đệm, tránh tâm lý “sốc” đối với người lao động".

Nhiều lợi ích khi tăng tuổi hưu

Theo ông Phạm Trường Giang: “Hiệu ứng tích cực của tăng tuổi hưu có rất nhiều: Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới; thu hẹp tuổi hưu về giới và tăng cơ hội lựa chọn việc làm của nữ giới; thăng tiến công việc của lao động nữ; nâng cao vị thể của lao động nữ trong xã hội; đảm bảo ổn định và bền vững của hệ thống tài chính an sinh xã hội; đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng GDP…”

 Hoàng Mạnh