Sửa Luật Lao động: “Nóng” kiến nghị về giao kết hợp đồng lao động

(Dân trí) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, khi đề cập việc sửa Luật Lao động năm 2012, quy định giao kết hợp đồng luôn là “điểm nóng” thu hút nhiều ý kiến, như: Làm rõ khái niệm “đại diện cho doanh nghiệp”, thuật ngữ “công việc tạm thời”, việc cấm hợp đồng lao động chuỗi, bổ sung hình thức hợp đồng …


Ảnh có tính minh họa

Ảnh có tính minh họa

Nhận định về pháp luật hợp đồng lao động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, lĩnh vực này với một số quy định mới đã góp phần quan trọng cho việc phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam theo hướng thị trường. Đồng thời, mảng pháp luật lao động cũng từng bước góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển lành mạnh thị trường lao động.

“Tuy nhiên một số quy định trong Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn vẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, việc giao kết sai loại hợp đồng còn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy nhiều sai phạm: Việc giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói trái quy định, ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 2 lần liên tiếp, ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên để trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cuối tháng 9/2016, Bộ LĐ-TB&XH sẽ công bố Dự thảo sửa đổi luât lao động năm 2012 trên Website molisa.gov.vn. Trên cơ sở tập hợp ý kiến góp ý từ các bộ, ban ngành và dư luận xã hội, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo để tham mưu tới Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và phê duyệt vào kỳ họp Quốc hội năm 2017.

Một số doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ thay cho hợp đồng lao động để trốn đóng BHXH. Trong một số các doanh nghiệp xây dựng, hợp đồng thầu lao động được thay cho hợp đồng cho thuê lại lao động nên đã không đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trên thực tế việc giao kết hợp đồng lao động còn sơ sài, thiếu nhiều nội dung như: công việc phải làm, hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động và điều kiện làm việc,...

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định: “Có tình trạng người lao động lừa dối doanh nghiệp bằng việc cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả mạo. Tuy nhiên pháp luật lao động lại chưa có quy định về việc xử lý đối với các trường hợp này. Tình trạng người sử dụng lao động thực hiện thử việc kéo dài, tiền lương thử việc không đảm bảo quy định pháp luật còn diễn ra nhiều”.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng quy định pháp luật quan hệ lao động đang bị lợi: “Việc quy định người sử dụng lao động có thể cho người lao động thôi việc vì lý do kinh tế, doanh nghiệp còn lợi dụng quy định này để cho 1 người lao động thôi việc để tránh phải lập phương án sử dụng lao động và không phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh” - đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Việc lạm dụng cũng đến từ phía người lao động, quy định về trợ cấp thôi việc cũng đang bị lợi dụng. Phổ biến ở những người lao động có nhiều năm công tác, gần đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không làm thủ tục nghỉ hưu. Một số người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp thôi việc, sau đó chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định, tình trạng doanh nghiệp chưa được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng vẫn hoạt động cho thuê lại lao động xảy ra nhiều. Do vậy quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.

Đây là tổng hợp từ nhiều ý kiến khác nhau phản ánh việc thực hiện pháp luật hợp đồng lao động thời gian qua. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu và điều chỉnh vào dự thảo sửa đổi nhằm bám sát với thực tiễn cuộc sống.

Nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi quy định giao kết hợp đồng

Cần quy định cụ thể tại BLLĐ ai là người đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã để ký kết hợp đồng lao động để đảm bảo sự rõ ràng và thống nhất trong thực hiện.

Đề nghị bổ sung quy định cấm ký kết các loại hợp đồng khác thay cho hợp đồng lao động khi phát sinh quan hệ lao động. Vì hiện nay tình trạng nhiều DN sử dụng lao động làm việc nhưng không ký HĐLĐ mà ký HĐ dân sự (HĐ dịch vụ) để tránh phải tham gia BHXH, BHTN cho người lao động.

Đề nghị có giải thích thuật ngữ “công việc tạm thời”, thuật ngữ “công việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định”.

Về cấm hợp đồng lao động chuỗi: Đề nghị loại trừ trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động cao tuổi.

Về loại hợp đồng lao động: đề nghị nghiên cứu, xem xét về các loại hợp đồng để đảm bảo sự linh hoạt cho NSDLĐ và đảm bảo nguyên tắc tự nguyện trong giao kết HĐLĐ.

Đề nghị có quy định NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu hoặc sửa đổi trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần người lao động đủ tuổi nghỉ hưu.

Đề nghị sửa đổi một số quy định cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

(Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Hoàng Mạnh