1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sửa Luật Lao động: 2 phương án về điều chỉnh giờ làm thêm và tuổi hưu

(Dân trí) - “Dự thảo sửa đổi Luật Lao động đang để ngỏ phương án điều chỉnh giờ làm thêm lên 400 giờ trong điều kiện đặc biệt, mở rộng khung thoả thuận 2 bên. Đồng thời, tuổi hưu có thể tăng từ 3-6 tháng/năm từ năm 2021…” - ông Mai Đức Thiện, vụ Phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Đây là thông tin chia sẻ tại Hội thảo về bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ Luật Lao động sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức tuần đầu tháng 4 tại Hà Nội.

Mở rộng khung thoả thuận giờ làm thêm

Theo ông Mai Đức Thiện, dự thảo Luật đưa ra phương án nâng khung thoả thuận về giờ làm thêm giữa người lao động và người sử dụng lao động. Điều này cần thiết ở những doanh nghiệp gặp phải tình huống phải thực hiện gấp nhiều đơn hàng hoặc liên tục thay đổi sản phẩm.

Ông Mai Đức Thiện nói về phương án điều chỉnh giờ làm thêm

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cần huy động lao động làm việc tăng thời gian để hoàn thành mục tiêu. Ông Thiện cũng cho biết thêm, qua khảo sát thực tế, nhiều người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập.

“Ngoài ra, dự thảo Luật Lao động sẽ bỏ quy định mốc làm thêm 30 giờ/tháng, nhằm giúp tăng sự linh hoạt về thời gian thực hiện đơn hàng của doanh nghiệp trong từng tháng” - ông Mai Đức Thiện nói.

“Trên cơ sở đó, dự thảo sửa đổi Luật Lao động có nêu 2 phương án. Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành về giờ làm thêm trong ngày. Tức là trong 1 ngày, người lao động được làm thêm tối đa 50 % số giờ chính thức của 1 ngày. Phương án 2: Số giờ làm thêm trong điều kiện bình thường là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tăng lên 400 giờ” - vị Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ.

Tuy nhiên, điều quan trọng trong dự thảo là việc làm thêm giờ phải dựa trên sự thoả thuận của 2 bên và trong đó có sự đồng ý của người lao động.

Hai phương án tăng tuổi hưu

Về tuổi nghỉ hưu, ông Mai Đức Thiện cho biết: “Nghị quyết 28/NQ-T.Ư đã quy định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được bắt đầu từ năm 2021. Điều này nhằm thích ứng với xu hướng già hoá dân số của Việt Nam, tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế, ổn định quỹ hưu trí tử tuất trong dài hạn”.

Trên cơ sở đó, dự thảo sửa đổi Luật Lao động đang xây dựng một số phương án điều chỉnh từ ngày 01/01/2021, theo hướng tăng tuổi hưu của lao động nam lên 62 và lao động nữ tăng lên 60 tuổi.

Theo ông Mai Đức Thiện, việc lựa chọn phương án nào trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ do cơ quan chức năng quyết định và trình Quốc hội trong năm 2019.

Dự kiến có 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu đang được nghiên cứu.

“Phương án 1: Tuổi hưu của nam có thể tăng 3 tháng/năm và nữ tăng 4 tháng/năm. Phương án 2: Tuổi hưu của nam tăng 4 tháng/năm và nữ là 6 tháng/năm. Tính từ năm 2021, chúng ta cần thêm 16 năm tiếp theo để đạt được mục tiêu đưa tuổi hưu của nam lên 62 và nữ lên 60” - vị Vụ phó Vụ Pháp chế nói.

Chia sẻ kinh nghiệm của các nước, ông Mai Đức Thiện cho biết, các nước có xu hướng quy định việc tăng tuổi hưu chậm. Đơn cử như nước Pháp, Bỉ chỉ tăng 2-3 tháng/năm, một số nước khác tăng 1 tháng/năm.

“Mức tăng chậm này nhằm tránh tình trạng “sốc” đối với những người rời khỏi và bắt đầu tham gia thị trường lao động. Mặt khác, tránh tình trạng ra vào ồ ạt, gây biến độ tới thị trường lao động”.

Hoàng Mạnh