1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng tuổi hưu ở nhóm lao động nào là hợp lý?

(Dân trí) - “Lao động lớn tuổi có kinh nghiệm và bản lĩnh, nhưng lao động trẻ tuổi thường được đào tạo bài bản, cập nhật công nghệ, dám dấn thân. Lương cho lao động trẻ bằng nửa hoặc ít hơn lương cho lao động thâm niên. Nhiều lao động lớn tuổi có sức khỏe tốt và thực sự xuất sắc cần được giữ lại…”

Tăng tuổi hưu ở nhóm lao động nào là hợp lý? - 1

Trao đổi với báo giới, ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ VN) đã chia sẻ thêm một số nội dung về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

Được biết tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận Đề án và dự kiến ban hành Nghị quyết về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm trong Đề án trình Trung ương xem xét đó là việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Thưa ông, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đang thu hút sự quan tâm đông đảo người dân và đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, vấn đề tuổi hưu cũng là một trong các nội dung được đề cập tại Đề án cải cách bảo hiểm xã hội trình Trung ương. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi cho rằng theo nhận thức của cơ quan tham mưu, có thể đây là thời điểm chín muồi. Tăng tuổi nghỉ hưu lại được đặt vấn đề trong tổng thể Đề án cải cách bảo hiểm xã hội và có tính thuyết phục cao hơn khi nêu thành vấn đề riêng lẻ.


hieu

Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Được biết, cơ quan đề xuất cũng đã đề cập và phân tích sâu nhiều yếu tố như: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng nhiều so với trước đây, dân số đang chuyển nhanh từ giai đoạn dân số trẻ sang giai đoạn già hóa.

Mặt khác, nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa năm và nữ, giải pháp nhằm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất…

Vậy theo ông, các yếu tố trên đã đủ điều kiện để chúng ta chấp nhận thực tế tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động? Liệu có cần phải cân nhắc thêm những yếu tố nào?

- Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều lĩnh vực, cần phải được cân nhắc kỹ. Ngoài các yếu tố đã nêu, tôi nghĩ cần phải tính toán kỹ vấn đề sức khỏe người lao động; điều kiện-môi trường làm việc; đặc thù ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng lao động; sức cung của thị trường lao động; việc lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên liên quan (người lao động và cả người sử dụng lao động)…

Người lao động Việt Nam tuổi thọ tuy tăng nhưng sức khỏe hầu như không tiến bộ. Theo thống kê được công bố tại một hội thảo quốc gia: Số người dân mắc bệnh khi bước sang tuổi 55-57 tăng cao; trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc đời của mình, với tỷ lệ mỗi người mắc 2,69 bệnh.

Điều kiện lao động ở nước ta chậm được cải thiện, nhiều nơi còn thô sơ, có nơi khắc nghiệt, nhiều rủi ro, tỷ lệ lao động chân tay, nặng nhọc lớn.

Trong khi đó vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực may mặc, da giầy, điện tử, thủy sản, xây dựng tìm cách sa thải người lao động khi họ mới 35, 40 tuổi.

“Trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy khu vực công và việc tạo việc làm bền vững ở khu tư còn hạn chế, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có nguy cơ làm cho cơ hội mất việc làm của lực lượng lao động trẻ gia tăng” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Một vấn đề nữa, tôi nghĩ chúng ta phải đặc biệt quan tâm, đó là lực lượng lao động trẻ đang thất nghiệp còn rất nhiều. Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 215.000 người tốt nghiệp đại học và thạc sỹ chưa có việc làm.

Đây là lực lượng lao động được đào tạo bài bản, phần lớn trong số họ năng động, sáng tạo, có trình độ ngoại ngữ, tin học.

Vậy theo ông, nên giải quyết vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng nào sẽ có tính hợp lý, khoa học?

- Tôi xin giữ quan điểm không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt và trong tương lai gần. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng.

Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, tuyệt đại đa số người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Khi đã nghiên cứu thấu đáo, ta cần thiết kế các quy định sao cho tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề lao động.

Qua đó tạo cơ hội cho người lao động làm việc đến một mốc nào đó có thể lựa chọn về hưu hoặc làm việc tiếp.

Tôi hy vọng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, có tầm nhìn dài hạn và tiếp tục giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất, khi chín muồi thì sửa các quy định của Bộ Luật Lao động.

Xin cảm ơn ông

Thanh Hoa thực hiện