Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm, hậu quả do Covid-19 vẫn còn lâu dài
Ở Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng hậu quả của tình trạng thất nghiệp do đại dịch COVID-19 thì vẫn còn lâu dài.
Việc thêm 2,1 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã đẩy tổng số người thất nghiệp tại Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vượt quá con số 40 triệu.
Trung bình trong 4 lao động Mỹ, có 1 người bị mất việc làm, đó là thông tin trên tờ Thời báo New York hôm 28/5.
Theo bài viết thì đây là tuần thứ 8 liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm kể từ mức đỉnh 6,9 triệu, nhưng vẫn còn vượt xa tất cả những mức kỷ lục trong lịch sử.
Bài viết cũng cảnh báo con số này chưa bao gồm hàng triệu lao động khác bị mất việc làm, đó là những người chưa nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, những người đã mất việc và không còn đi tìm việc làm. Cùng với đó là khoảng 8 triệu lao động không có giấy tờ nên không đủ điều kiện để được hưởng bất kỳ loại trợ cấp nào, và số sinh viên mới tốt nghiệp bắt đầu bước vào thị trường lao động.
Cùng chủ đề này, tờ Tạp chí Phố Wall nhận định số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2 cho thấy tình trạng xa thải nhân công do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm.
Theo bài viết thì số người xin trợ cấp thất nghiệp tuần kết thúc ngày 16/5 là 21,1 triệu, giảm 3,9 triệu so với tuần trước đó. Tuy nhiên con số này vẫn vượt xa mức kỷ lục 6,5 triệu năm 2009 và cho thấy hiện đang có hàng chục triệu lao động Mỹ thất nghiệp.
Mặc dù vậy, đây là dấu hiệu cho thấy đã có một số người lao động Mỹ có việc làm trở lại. Và thị trường lao động Mỹ đang có sự bù đắp giữa số lượng lao động mất việc làm và số lao động được tuyển dụng mới hay được quay trở lại làm việc.
Cụ thể như trong khi một loạt các hãng lớn như Boing hay American Airline thông báo tiếp tục xa thải nhân công tương ứng là 13.000 lao động và 30% nhân viên quản lý, thì Amazon lại cho biết sẽ tiếp tục duy trì việc làm của số lao động mới tuyển dụng trong tháng 3 và tháng 4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng. Cùng với đó thì hãng Disney cho biết, sẽ mở cửa trở lại cac công viên ở Florida và giữa tháng 7 tới.
Bài viết nhận định kết quả này có được là nhờ vào việc các bang bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại và tác động của gói cho vay trả lương nhân công của chính phủ. Thế nhưng số lượng tuyển dụng mới vẫn thấp hơn rất nhiều so với số lượng lao động bị sa thải.
Cụ thể là các chủ lao động cho biết nhu cầu lao động mới đã tăng 17% trong tuần kết thúc ngày 24/5 so với 6 tuần trước đó. Số việc làm mới cần người làm tăng liên tiếp trong 3 tuần qua, nhưng tổng số vẫn giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều kinh tế gia nhận định sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, để nền kinh tế Mỹ có thể bù đắp lại được số việc làm đã bị mất. Những dự báo khả quan nhất cũng chỉ hy vọng 1/3 trong tổng số 30 triệu việc làm đã mất có thể quay trở lại trong mùa hè này. Điều này đã cho thấy phần nào mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Lê Minh
VTV.VN