1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thêm 6,6 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp

Thực tế này đang làm dấy lên mối quan ngại về hậu quả kinh tế của dịch Covid-19 và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ Chính phủ Mỹ đưa ra.

Thêm 6,6 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp

Bộ Lao động Mỹ tiếp tục cho biết hôm 9/4, đã có thêm 6,6 triệu người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 4/4, nâng tổng số người Mỹ mất việc làm trong 4 tuần liên tiếp lên tới hơn 17 triệu người.

Với tựa đề "Thêm 6,6 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước, nâng tổng số người mất việc làm do đại dịch lên hơn 17 triệu người", tờ Bưu điện Washington cho biết các nhà kinh tế học nhận định tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện là 13% - mức cao nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái.

Theo bài viết, hơn 17 triệu người mất việc làm trong 4 tuần liên tiếp kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch Covid-19 là mức tăng thất nghiệp chưa từng có tiền lệ.

Jenet Yellen - nhà kinh tế gia hàng đầu thế giới - nhận định tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đã nhảy vọt lên mức 12 hoặc 13% - mức xấu nhất ở quốc gia này kể từ thời kỳ đại suy thoái.

Tờ Thời báo New York nhận định, các số liệu ảm đạm của thị trường lao động Mỹ cho thấy gói cứu trợ kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ USD mà Washington mới thông qua đã không được triển khai đủ nhanh để ngăn chặn những thiệt hại kinh tế và tình trạng xa thải nhân công trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế nước này.

Bài viết cũng cho biết những nỗ lực thúc đẩy các gói cứu trợ khác lại đang bế tắc khi khoản chi tiêu trị giá 250 triệu USD của Nhà Trắng nhằm hỗ các doanh nghiệp nhỏ bị chặn ở Thượng viện do các nghị sỹ hai đảng chưa thống nhất được những đối tượng nào sẽ được hưởng lợi từ gói cứu trợ này.

Với tựa đề "Di sản của cuộc khủng hoảng virus Corona: Nợ chất thành núi", tờ Tạp chí phố Wall hôm 9/4 nhận định: "Phải mất nhiều năm nữa mới đánh giá được đầy đủ tác động của dịch Covid-19, nhưng một hệ quả đã rất rõ ràng đó là Chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình sẽ phải gánh chịu thêm cả núi nợ nần mới".

Theo bài viết, Goldman Sachs ước tính thâm hụt ngân sách của Chính phủ liên bang Mỹ có thể đạt mức kỷ lục 3,6 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 9 và 2,4 nghìn USD trong năm tiếp theo.

Mức tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp đang sụt giảm nhanh chóng và phải sống dựa vào thị trường trái phiếu. Đã có những dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình vay tín dụng nhiều hơn để chi tiêu.

Trong khi đó, hiện Chính phủ Mỹ đang nợ các nhà đầu tư tư nhân và các Chính phủ khác 17,9 nghìn tỷ USD, tương đương 89% GDP của nước này, mức cao nhất kể từ năm 1947.

Mức nợ này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong vài tháng tới do các gói cứu trợ kinh tế, gia tăng chi phí bảo hiểm thất nghiệp và giảm nguồn thu từ thuế do thu nhập cá nhân và doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm.

Cũng theo tờ Tạp chí Phố Wall, thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay đang làm dấy lên cuộc tranh luận xung quanh vấn đề rỡ bỏ các hạn chế do dịch Covid-19.

Theo đó, Nhà Trắng đang có kế hoạch thành lập nhóm đặc trách về vấn đề mở cửa trở lại nền kinh tế, nhưng các cố vấn của Tổng thống Donald Trump vẫn còn bất đồng xung quanh thời điểm và phạm vi của việc rỡ bỏ các biện pháp hạn chế này khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo VTV.VN