1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sếp tôi đó…

Cách đây khá lâu, giám đốc của tôi nhận được lá thư gửi qua đường bưu điện. Ông xem xong, cho gọi tôi vào và nói: “Cô đọc đi và cho tôi ý kiến phải làm sao?”.

Lá thư được viết tay, chữ viết nắn nót, rõ ràng. Nếu chịu khó tìm hiểu, tôi có thể truy ra được người viết. Thế nhưng, sếp tôi nói việc đó không cần bởi nếu người ta đã viết tay tức là họ không sợ bị truy ra tên tuổi. Điều quan trọng là nội dung bức thư đó đã nói lên một điều mà trước giờ không ai dám góp ý, phê bình mà người ta xem đó là ưu điểm, là cá tính “không lẫn vào đâu được của sếp”.

Số là sếp tôi có cái “tật” rất lớn là nói năng ào ào, lớn tiếng và hay sử dụng… tiếng “Đan Mạch” (tức là chửi thề). Ông không ngại văng tục khi có mặt chị em, con cháu. Đôi khi ông còn… nói bậy, tức nói chuyện phòng the trong những cuộc “trà dư tửu hậu” khiến các chị em đỏ mặt, ngượng ngùng.


Ảnh minh họa: internet

Ảnh minh họa: internet

Lâu nay, mọi người cứ xem đấy là bình thường; nhiều kẻ muốn lấy lòng sếp lại còn tâng bốc, khen sếp có tác phong giản dị, gần gũi, bình dân. Lâu ngày dài tháng, mọi thứ ăn sâu vào máu thịt khiến sếp đôi khi hơi quá đà.

Mới đây, khi phát biểu trong một hội nghị đông người, sếp vô tình văng tục. Mọi người cười xòa, bỏ qua. Nhưng tác giả của bức thư tay thì không như vậy. Tôi xem xong thư, nghĩ rằng đây là của một phụ nữ. Lời lẽ nhẹ nhàng, chừng mực, góp ý chân thành. Thư viết rằng mỗi người có cương vị riêng và phải hành xử trên cương vị của mình.

Giám đốc một công ty có 1.000 công nhân khác với anh công nhân khuân vác hay chị bán cá ngoài chợ. Vì vậy, bức thư viết rằng “giám đốc nên chấn chỉnh một vài thói quen không hay lắm như nói tục, chửi thề trước mặt nhân viên”.

Lần đó, giám đốc nhờ cậy tôi: “Cô có nhiệm vụ canh chừng tôi, khi nào thấy tôi nói cái gì quá lố thì nhắc nhở. Chứ để người ta viết thư trách mắng như vầy, tôi mắc cỡ quá”. Nhìn vẻ mặt đau khổ của ông, tôi thấy tội nghiệp nên nhận lời.

Cách đây mấy hôm, giám đốc lại gọi tôi lên và đưa ra một bức thư, vẻ mặt hớn hở: “Cô xem, tôi được khen rồi nè”. Tôi đọc bức thư. Vẫn chữ viết cũ. Thư viết rằng cảm ơn giám đốc đã “tiếp thu và sửa đổi”. Điều đó cho tác giả bức thư và nhiều người lao động có niềm tin vào giám đốc và họ hứa từ nay sẽ cố gắng hết mình vì sự phát triển của công ty.

Tôi cũng thấy vui lây.

Theo Thảo Nghi/Báo Người lao động