Làm sếp ở cơ quan nhưng về nhà 'sợ osin một phép'
Có không ít trường hợp, osin được thuê về để giúp việc cho gia đình, nhưng họ lại khiến cho chủ nhà phải nể sợ đến mức có thể quát mắng cả chủ nhà.
"Chỉ sợ bị osin chửi"
Đó là câu chuyện của chị Thúy Ngà (Thanh Xuân, Hà Nội). Chị Ngà cho biết, người giúp việc cho gia đình chị vốn là một cô giáo dạy toán. Tuy nhiên, khi vừa nghỉ hưu thì gia đình cô gặp phải một biến cố lớn khiến cô mất đi toàn bộ tài sản. Chồng cô còn bỏ đi theo người phụ nữ khác, để lại mình cô với 2 đứa con đang ăn học đại học và một khoản nợ không hề nhỏ.
Chính vì thế, khi được đề nghị, cô đã theo các con lên Hà Nội và đồng ý làm giúp việc cho nhà chị Ngà với giá 6 triệu/tháng.
“Đây là một mức lương không hề thấp, vì thế, đã rất nhiều người đến nhận công việc này, nhưng chỉ sau 1, 2 tháng, mình đã phải cho nghỉ việc vì không thấy hài lòng. Tuy nhiên, đến cô giúp việc lần này thì khác”- chị Ngà kể.
Cô tận tâm, chu đáo và sạch sẽ vô cùng. Trong nhà chị Ngà, công việc mà cô phải làm hàng ngày không hề ít đó là, cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cho 2 đứa con của chủ không may mắc chứng tự kỷ, chậm nói.
"Vậy mà việc nào cô cũng hoàn thành một cách xuất sắc. Từ cơm ngon canh ngọt đến nhà cửa sạch sẽ" - chị Ngà nói.
Trong đó, điều khiến chị Ngà hài lòng nhất đó là, mặc dù đã về hưu nhưng cô vẫn rất tâm huyết với nghề và coi những đứa con của chị Ngà như con cháu của mình.
Cô luôn tìm sách, báo, và các tài liệu trên mạng để dạy dỗ cho các con của chị Ngà. Chính vì thế, mới chỉ ở cùng 1 năm, nhưng đứa con chậm nói của chị Ngà đã biết nói rất nhiều từ. Cậu con trai học lớp 4 của không cần phải đi học thêm như trước nhưng vẫn đoạt danh hiệu học sinh giỏi.
“Cô vẫn chưa hài lòng, cô bảo, năm tới cô sẽ rèn để bé 3 tuổi nhà mình nói được và chơi như những đứa trẻ bình thường, bé học lớp 4 thì sẽ được tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố” – chị Ngà kể.
Thế nhưng, bên cạnh những ưu điểm không thể chê thì cô cũng là một người khó tính vô cùng.
Chị Ngà bảo, nhiều khi đi làm về, sơ sót mà không để giầy dép đúng nơi quy định, hoặc bỏ rác lung tung hay trước bữa ăn cho các con ăn kẹo … thì thế nào cô cũng mắng.
“Mà cô mắng xơi xơi, chứ không phải là góp ý nhẹ nhàng đâu. Thậm chí có nhiều cái cô còn cấm đoán 2 vợ chồng. Ví như không bao giờ, cô cho phép mình và chồng mình được nói chuyện với con bằng những ngôn từ suồng sã hay cãi nhau trước mặt các con...
Nhưng phải công nhận rằng, những việc cô mắng, cô chửi, hay cô cấm đoán đều là những điều đúng đắn. Chính vì thế, nói không phải ngoa, nhưng thực sự, ở cơ quan mình là sếp, nhưng đi làm về, mình nể và sợ cô lắm. Chỉ sợ bị cô ấy chửi thôi.” – chị Ngà cười nói.
Sợ osin hơn sợ mẹ chồng
Cùng chung “cảnh ngộ” như chị Ngà. Chị Thảo (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng có một nỗi sợ mỗi khi bước chân về nhà đó là osin... nhíu mày.
Chị Thảo kể, vợ chồng chị sống với bố mẹ chồng, tuy nhiên, bố mẹ chồng chị Thảo đều già yếu nên không thế dọn dẹp và cơm nước cho cả gia đình. Thêm vào đó, nhà chị còn có 2 cậu con trai (lớp 3 và lớp 1). Cả 2 đều học rất kém và bướng bỉnh.
Từ khi cô osin đến, bố mẹ chị Thảo được chăm sóc rất chu đáo, nhà cửa luôn sạch sẽ, 2 đứa con chị Thảo cũng ngoan dần và chịu khó học tập.
Bên cạnh đó, osin còn hướng dẫn cho chị rất nhiều trong việc nữ công gia chánh, nuôi dậy con cái, cũng như cách cư xử trong đời sống gia đình.
Chính vì vậy, chị nể trọng và yêu quý osin lắm. Chị bảo, “Chị coi cô ấy như người thân trong gia đình, có gì chị cũng tâm sự nên cô rất hiểu chị. Vì thế, chỉ cần thấy cô nhíu mày là chị biết mình đã làm sai điều gì đó rồi” – chị Thảo nói.
Theo Minh Anh/Vietnamnet.vn