Lương tối thiểu bao giờ mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu?

Lương tối thiểu bao giờ mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu?” là câu hỏi được hầu hết công nhân (CN) đặt ra khi nghe thông tin, sắp tới, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp bàn để tăng lương tối thiểu (LTT) năm 2016.

 

Cuộc sống của NLĐ hiện còn rất nhiều khó khăn, khi mức LTT chỉ mới đáp ứng được hơn 60% nhu cầu sống tối thiểu của họ.
Cuộc sống của NLĐ hiện còn rất nhiều khó khăn, khi mức LTT chỉ mới đáp ứng được hơn 60% nhu cầu sống tối thiểu của họ.

LTT chưa thực hiện đúng theo pháp luật lao động!

Theo ông Huỳnh Tấn Tài - Chủ tịch CĐCS Cty Hong IK Vina (KCX Tân Thuận, TPHCM), LTT là một mức lương thấp nhất theo quy định của Luật Lao động. Đó là số tiền trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong xã hội với điều kiện làm việc và cường độ lao động bình thường, lao động chưa qua đào tạo nghề.

Số tiền đó đủ để NLĐ tái sản xuất giản đơn sức lao động, đóng bảo hiểm tuổi già và nuôi con. “Thế nhưng, hiện nay, mức lương tối thiểu mà chúng ta đang áp dụng chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Như vậy, luật quy định nhưng chúng ta chưa làm được, chưa thực hiện đúng như pháp luật quy định”, ông Tài nói.

Năm 2015, mức LTT nhà nước đang áp dụng cho 4 vùng là 2.150.000 đồng (thấp nhất) và cao nhất là 3.100.000 đồng (đối với vùng 1), theo khảo sát của PV, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều áp dụng mức lương cơ bản (LCB) cao mức LTT hiện hành từ 100.000 đồng - 600.000 đồng.

Ông Đinh Văn Giai - Chủ tịch CĐCS Cty Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, TPHCM) - cho rằng: “Mức LCB mà áp dụng đúng theo mức LTT thì chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Nếu hai vợ chồng làm công nhân, ngoài LCB, họ còn phải tăng ca, Cty có các khoản phụ cấp thêm thì thu nhập của họ mới được 4-5 triệu đồng/tháng, với số tiền đó, họ chỉ có thể sống rất “gói ghém”, và phải sống ở các quận ngoài thành như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức… may ra mới đủ”.

Với quan điểm đó, Cty TNHH Toàn Thắng luôn áp dụng LCB cao hơn LTT từ 500.000-600.000 đồng, như hiện tại, LCB của Cty đang là 3.700.000 đồng/tháng.

“Nếu vẫn giữ cách tăng LTT như hiện nay thì bao nhiêu lâu LTT mới đảm bảo được mức sống tối thiểu của NLĐ? Cho nên câu hỏi đặt ra là, vậy tăng LTT để làm gì? Mức LTT hiện nay có phải đang chạy theo sau, đang lạc hậu so với mức LCB mà các DN đang áp dụng? Hay mức LTT chỉ là cơ sở để các DN dựa vào đó để đóng BHXH, vậy thì quy định về LTT có còn giữ được ý nghĩa của nó không?”, ông Huỳnh Tấn Tài chia sẻ.

Công nhân phải được hưởng lợi thực sự!

Chị Hồng Lan - CN may KCN Tân Bình - chia sẻ: Khi Nhà nước chưa làm cho LTT đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của NLĐ thì hãy kiềm lại giá cả. Lương tăng 15% mà giá cả tăng 20% thì mỗi kỳ tăng lương trở thành nỗi ám ảnh chứ chẳng phải niềm vui. Đơn giản nhất là tiền nhà trọ. Mỗi năm LTT tăng lên 200.000 đồng thì các chủ nhà trọ vội vàng tăng lên 250.000/tháng.

Ngay cả bó rau muống ngoài chợ, trước khi tăng lương là 3.000 đồng/bó, sau khi tăng lương bó rau muống đó được chia làm đôi rồi bán 2.000 đồng/bó. “Tính đi tính lại, không khéo CNLĐ còn chật vật hơn lúc chưa tăng lương”, chị Lan lo lắng.

“Tăng LTT với mục đích là cải thiện đời sống cho NLĐ nhưng nếu vẫn giữ mức tăng như hiện nay cộng thêm tỉ lệ trượt giá, cơ quan quản lý Nhà nước không quản lý được các loại giá cả để chúng tăng vô tội vạ thì đời sống NLĐ sẽ không được cải thiện là mấy”, anh Bình - CN Cty KCX Linh Trung - chia sẻ.

“CN không chỉ sống bằng lương mà họ cũng cần phải có tích lũy phòng khi đau ốm. Cho nên, LTT phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu là điều kiện tối giản nhưng chưa đáp ứng được thì NLĐ sẽ còn vất vả”, ông Liêu Quang Vinh - Chủ tịch CĐCS Cty Freetrend (KCX Linh Trung 1, TPHCM) - chia sẻ. Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua, mức lương mà Cty Freetrend áp dụng luôn cao hơn LTT từ 300.000 - 650.000 đồng.

Theo ông Liêu Quang Vinh, để có cơ sở thương lượng về mức lương cơ bản với BGĐ Cty, hằng năm, BCH CĐ Cty thực hiện bảng khảo sát chi phí sinh hoạt cơ bản tối thiểu của một CN gồm: Các phần như chi phí phòng trọ, điện nước, tiền chợ mỗi ngày, thực phẩm chính, thực phẩm phụ, ăn sáng. Ngoài ra, còn có các chi phí khác như tích lũy phòng khi đau ốm, để dành nuôi con… Đây là các chi phí mà một CN phải trả tối thiểu trong một tháng.

Dựa trên bảng khảo sát này, BCH CĐCS sẽ đề xuất với BGĐ phải trả LCB cho CN không được thấp hơn tổng chi phí tối thiểu một CN phải trả trong tháng. Dựa trên những thông tin của bảng khảo sát, nếu mức LTT mà Nhà nước đưa ra hằng năm phù hợp với hai tiêu chí của Cty như đảm bảo được đời sống cho NLĐ, bù được trượt giá thì Cty sẽ tăng lương đúng quy định, còn không thì Cty sẽ chủ động tăng cao hơn mức LTT mà Nhà nước quy định.

Theo Báo Lao động