Lương tối thiểu 2021: Các bên dự đoán gì trước phiên đàm phán sáng 23/6?
(Dân trí) - Sáng 23/6, tại Quảng Ninh, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức Phiên đàm phán đầu tiên về lương tối thiểu 2021. Quan điểm của các bên về tiền lương tối thiểu ra sao trong bối cảnh dịch Covid-19?
Trao đổi với PV Dân trí ít giờ trước khi dự Phiên đàm phán lương tối thiểu 2021 đầu tiên, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - cho biết, năm 2021, thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động có khác với những năm trước.
“Đó là hậu quả nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 sẽ được bàn thảo trong phòng đàm phán. Cả người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt” - ông Ngọ Duy Hiểu giải thích.
Đưa ra quan điểm trước giờ vào đàm phán, vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động, trong mối quan hệ với sự thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp...”.
Về phía người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp VN - cho rằng: Đại dịch Coid-19 đang tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước nguy cơ giải thể.
“Điều dễ thấy là các đơn hàng không có, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu bị ngắt quãng. Doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tồn tại hay không tồn tại. Đơn cử như các doanh nghiệp điện tử, dệt may, da giày...” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp đứng trước bài toán duy trì hoạt động và trả lương cho người lao động. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã tính tới phương án cho người lao động nghỉ việc luân phiên. Người lao động và doanh nghiệp đều mong muốn tình hình ổn định trở lại như trước đây.
“Vì vậy, việc tăng hay không tăng lương tối thiểu cho năm 2021 cần cân nhắc kỹ. Qua trao đổi với các Hiệp hội doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2021” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Tháng 7/2019, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5% so với năm 2019, tức là tăng từ 150.000-240.000 đồng/người/tháng, tuỳ thuộc 4 vùng lương trong cả nước.
Đây cũng là căn cứ để Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, lương tối thiểu vùng năm 2020, như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Cần phân biệt không tăng lương cơ sở và lương tối thiểu vùng
Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng: “Lương cơ sở do Nhà nước trả cho người lao động, lương tối thiểu do doanh nghiệp trả cho người lao động trên kết quả sản xuất kinh doanh”.
Phân tích của ông Ngọ Duy Hiểu cho thấy, thời gian Covid-19 vừa qua, người lao động là công chức, viên chức về cơ bản, lương của họ không bị ảnh hưởng, kể cả thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận người lao động trong các khu vực khác bị giảm lương, mất việc trong thời gian giãn cách và sau này.
"Do đó, việc không tăng lương cơ sở 2021 không có nghĩa là không tăng lương tối thiểu cùng 2021..." - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Hoàng Mạnh