1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Lên đời" và sống trong sợ hãi vì buôn bán phế liệu

Nhiều người làm giàu từ việc buôn đồng nát, nhưng những kho chứa phế liệu này cũng tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Nói đến đồng nát, nhiều người thường nghĩ ngay đến những thứ bỏ đi, hết giá trị sử dụng, nhưng với những người làm nghề thu mua phế liệu thì đây lại là những thứ đổi ra tiền. Song việc thu mua phế liệu cũng tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường nếu lẫn các loại sắt vụn thông thường với các vật liệu nổ, bom mìn…

Một cửa hàng thu mua phế liệu trên phố Trần Cung ngổn ngang hàng hóa.
Một cửa hàng thu mua phế liệu trên phố Trần Cung ngổn ngang hàng hóa.

"Lên đời" nhờ phế liệu

Dăm ba sào ruộng, mấy chục con gà chẳng thể đủ để gia đình chị Nguyễn Thị Lý (Hà Nam) trang trải cuộc sống hàng ngày và chu cấp cho 2 con ăn học đại học. Thế nhưng từ ngày vợ chồng chị lên Hà Nội để thu mua phế liệu, cuộc sống gia đình đã có nhiều khởi sắc.

Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cà tàng, chị Lý vẫn rong ruổi khắp các con phố để xem nhà nào có vật gì bỏ đi như giấy tờ, xoong nồi, đồ nhựa hỏng để mua về rồi đem bán lại. Thời gian đầu còn nhiều khó khăn, nhưng dần dần quen với cách làm ăn, vợ chồng chị đã mượn được một cơ sở và thu mua buôn.

Sau khi lấy hàng về, vợ chồng chị phân loại rồi đem đi bán. Chị Lý phấn khởi kể, nhờ có nghề này, mà các con chị được học hành đàng hoàng, vợ chồng chị cũng đỡ vất vả hơn so với ở nhà cấy lúa như trước kia.

Giống như chị Lý, chị Đào Thị Hà, quê Hải Dương đã lên Hà Nội buôn phế liệu nhiều năm nay cảm thấy đây là nghề “ăn lên làm ra”. Mang theo chiếc làn cũ, vài chiếc bao tải kẹp ở gacbaga xe đạp, chị đi dọc các con phố “ai đồng nát đi, đồng nát nào”, thế nhưng sau khi nói chuyện mới hay, chị là “bà chủ” của cả một cửa hàng thu mua đồng nát. Chị bảo, nếu ít thì chở luôn bằng xe đạp, còn nhiều thì chỉ cần một cú điện thoại, là có xe ô tô đến chở, 30 phút là xong tất cả.

Chia sẻ về nghề, chị Hà bảo: “Nghề này hơi vất vả, lúc nào trông cũng rách nát, nhưng thu nhập cũng ổn”. Nhờ có nghề buôn bán đồng nát, mà chị đã xây được nhà 3 tầng khang trang ở quê.

Hiểm họa khôn lường

Dù mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng nghề thu mua phế liệu cũng tiềm ẩn những hiểm họa không thể lường trước khi mua phải những vật liệu dễ gây cháy nổ.

Những bao phế liệu chất đống trong ngõ 34 Hoàng Cầu.
Những bao phế liệu chất đống trong ngõ 34 Hoàng Cầu.

Vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) khiến 4 người thiệt mạng, nhiều người bị thương nặng do một người làm nghề đã dùng đèn khò cắt vật liệu nổ để lấy sắt và vụ nổ vào ngày 3/1/2018 tại làng Quan Độ, (xã Văn môn, Yên Phong, Bắc Ninh) khiến 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng là minh chứng rõ nét nhất.

Nguyên nhân của cả 2 vụ việc trên đều do những chủ cơ sở buôn bán phế liệu tự ý cắt vật liệu, tích trữ vật liệu nổ để lấy sắt. Những cái chết không báo trước như một hồi chuông cảnh báo về mức độ mất an toàn của những cửa hàng phế liệu nằm xen kẽ trong các khu dân cư.

Tầng một của căn nhà trên phố Trần Cung chất đầy hàng hóa phế liệu, chật hẹp, tầng 2 là nơi sinh sống của chủ cửa hàng.
Tầng một của căn nhà trên phố Trần Cung chất đầy hàng hóa phế liệu, chật hẹp, tầng 2 là nơi sinh sống của chủ cửa hàng.

Tại Hà Nội, hiện nay các cửa hàng thu mua phế liệu vẫn ẩn mình, xen lẫn trong các khu dân cư. Bình gas, bình khí oxy, các loại thiết bị điện hỏng, giấy vụn… đều được chất thành đống, nhưng nhiều cơ sở lại chưa được lắp đặt hệ thống chữa cháy. Đáng nói hơn, khi được hỏi về cách phân biệt bom mìn với những phế liệu khác, đa số những trong nghề đều chia sẻ chưa từng nhìn thấy bom mìn và khá lúng túng khi hỏi về cách phân biệt một quả bom mìn đã bị ô xi hóa với những cục sắt thông thường. Cách mà họ phân biệt vẫn theo kiểu “cảm nhận thấy thế”…

Sau những tai nạn thương tâm xảy ra tại các cơ sở thu mua phế liệu, nhiều người dân sống xung quanh các địa điểm này không khỏi hoang mang. Chị Hà Thị Thảo, từng sống ngay gần một cơ sở thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từng thuê trọ ngay gần một điểm thu gom phế liệu. Khi xảy ra vụ nổ tại Văn Phú và Bắc Ninh mới đây, tôi cảm thấy rất lo sợ. Không ai biết hoặc kiểm soát được họ mua những thứ gì và liệu có gây cháy nổ hay không. Ban đêm ngủ, hễ thấy mùi gì hơi khét, hay tiếng động mạnh, là tôi lại giật mình”.

Sống tại phố Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội), nơi không lâu trước đây từng là “thủ phủ” của phế liệu, anh Minh Tuấn chia sẻ: “Hiện nay các hộ buôn bán phế liệu ở ngõ 34 Hoàng Cầu thông với Nguyễn Phúc Lai đã chuyển đi gần hết, chỉ còn lại 1 vài hộ nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy bất an. Vẫn biết ai cũng phải mưu sinh, nhưng còn an toàn của những người xung quanh cũng cần hết sức đề cao, chú ý”.

Trên thực tế, hoạt động thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, cần chú ý tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, phòng chống cháy nổ, tránh gây mất mỹ quan, nguy hiểm cho khu dân cư./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN