CMCN 4.0 - Cơ hội cho thế hệ phụ nữ mới chọn dấn thân để thay đổi định kiến giới

(Dân trí) - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đang là một trong các đối tượng chịu tác động lớn nhất. Nhận diện rõ ràng những rào cản đối với phụ nữ trên con đường thăng tiến sẽ mở đường cho những giải pháp và cơ hội giúp phụ nữ phát triển nghề nghiệp một cách công bằng nhất.

Từ câu chuyện của những người phụ nữ chọn dấn thân để thay đổi định kiến giới

“Tôi sinh ra trong gia đình có 6 người con gái. Mẹ tôi sinh đến 6 lần cũng chỉ vì cha tôi muốn có một đứa con trai. Điều đó khiến tôi có thêm sức mạnh và lòng quyết tâm để thay đổi định kiến đã tồn tại bao thế hệ ở Việt Nam và ngay ở chính gia đình của tôi. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, phụ nữ đâu có thua gì nam giới trong bất cứ lĩnh vực nào”.

CMCN 4.0 - Cơ hội cho thế hệ phụ nữ mới chọn dấn thân để thay đổi định kiến giới - 1
Phiên thảo luận "Lãnh đạo nữ và Cơ hội bình đẳng" tại Diễn đàn Đa Phương 2019

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Giám đốc quốc gia PSI tại Việt Nam đã bắt đầu câu chuyện của chính mình như một lời tự sự chân thành tại sự kiện Diễn đàn Đa phương 2019 với chủ đề “Nâng cao quyền năng phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh CMCN 4.0” được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 vừa qua.

Từ quan điểm đó, bà Hoa nhấn mạnh việc các tổ chức, doanh nghiệp, cần có các chính sách cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy được năng lực của mình. Bà cũng khẳng định rằng những đầu tư sẽ giúp tăng tính cam kết của người lao động và mang lại lợi ích lâu dài cho tổ chức.

Cũng tại sự kiện, mặc dù đồng tình với quan điểm cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm xuất hiện nhiều công nghệ mới thay thế một bộ phận lao động, các diễn giả cũng nhận định rằng robot thông minh sẽ giúp giải phóng phụ nữ khỏi rất nhiều công việc, trong đó có những công việc nội trợ, chăm sóc người già và con cái.

Đây chính là cơ hội của lao động nữ, vì khi ấy, phụ nữ đi làm sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc học tập, phấn đấu và tìm kiếm những công việc theo đam mê của mình, tự chủ công việc và thu nhập.

Ngoài ra, với các thế mạnh là sự tiếp cận và thích ứng nhanh với công nghệ, kỹ năng mềm, khả năng đa nhiệm, cùng sự linh hoạt và bền bỉ trong xử lý áp lực và các mối quan hệ… được các nghiên cứu trên thế giới chứng minh, cũng là những năng lực cần thiết trong CMCN 4.0, phụ nữ hoàn toàn có cơ hội vượt lên và thành công.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) cho rằng, dẫu cho CMCN 4.0 có thể mang tới các công nghệ ‘giải phóng phụ nữ’, vẫn cần phải gạt bỏ những rào cản về định kiến, bao gồm quan niệm rằng việc nội trợ, chăm sóc gia đình là mặc định dành cho phụ nữ.

Những người đàn ông vẫn cần chung tay cùng chị em làm những công việc nhà tưởng chừng như đơn giản ấy, có như vậy phụ nữ mới yên tâm làm việc và thực sự có cơ hội, thời gian để thăng tiến và tỏa sáng.

Còn với bà Phạm Thị Thu Hương, Tổng Trưởng phòng Quan hệ lao động, Samsung Electronics Vietnam, câu chuyện của bà không chỉ dừng lại ở những cơ hội cho nữ lãnh đạo tại Samsung, mà còn là thông điệp về cam kết không để nhân viên nữ bị bỏ rơi lại phía sau trong cuộc CMCN 4.0.

CMCN 4.0 - Cơ hội cho thế hệ phụ nữ mới chọn dấn thân để thay đổi định kiến giới - 2

Bà Phạm Thị Thu Hương, Tổng Trưởng phòng Quan hệ lao động, Samsung Electronics Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo bà Hương, tỷ lệ quản lý nữ tại Samsung Việt Nam (SEV/T) tại Bắc Ninh và Thái Nguyên chiếm đến 36.2% trong tổng số các cấp quản lý, trong đó rất nhiều người có xuất phát điểm chỉ là lao động phổ thông. Công ty cũng đang nỗ lực từng ngày để vươn lên, nâng cao hơn nữa tỷ lệ lãnh đạo nữ, hướng tới mục tiêu tăng tối thiểu thêm 20-30% trong 5 năm tới.

Liên quan đến vấn đề trao quyền, bà Hương khẳng định tại Samsung, khi ở vị trí quản lý, các nữ lãnh đạo được quyền tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách của công ty.

Nhờ những người nữ lãnh đạo có tài và có tâm, luôn trăn trở để có thể đưa những chính sách tốt nhất cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, được triển khai trên thực tế, mà Samsung hiện giờ là một trong những công ty có thành tích tốt nhất về chăm lo cho người lao động.

Tại Samsung Việt Nam, với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm hơn 70%, bên cạnh những nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng và phát triển các chính sách phúc lợi ưu việt dành cho người lao động nói chung, Samsung cũng chú trọng đưa ra những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Cụ thể, như chế độ nghỉ dưỡng thai, công ty tạo điều kiện cho các lao động nữ ngay từ tháng đầu tiên của thai kỳ nếu có nguyện vọng nghỉ dưỡng thai sẽ được bố trí nghỉ mà vẫn hưởng lương (50%) và được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm Việt Nam.

Hay như hệ thống phòng “Mommy room” tại các khu vực của nhà máy giúp phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ có không gian riêng để vắt sữa, trữ sữa, thư giãn và cập nhật thêm kiến thức về thai sản và chăm sóc trẻ nhỏ.

Trở lại thực trạng về sự nhận thức và chuẩn bị cho CMCN 4.0, trong khi phần lớn lao động nữ ở các khu vực lao động giản đơn còn chưa hiểu rõ thế nào là CMCN 4.0, khi còn quẩn quanh với hàng loạt mối bận tâm thường nhật khác, thì tại Samsung, công ty đã chủ động triển khai hàng loạt các chương trình đào tạo liên tục để nhân viên của mình có sự chuẩn bị tốt nhất với CMCN 4.0.

Những nhân viên tại Samsung ngay sau khi được tuyển dụng đã được tham gia các khóa đào tạo về chuyên ngành, kiến thức chuyên sâu về các công đoạn sản xuất, đồng thời liên tục được cập nhật kỹ năng mới, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Bên cạnh đó, Công ty Samsung kết hợp cùng các trường cao đẳng tại Bắc Ninh và Thái Nguyên tổ chức các khóa đào tạo cao đẳng tại Công ty để các bạn nhân viên có thể vừa học vừa làm giúp nhân viên có thêm kiến thức chuyên môn để tự chuẩn bị những bước phát triển cao cho nghề nghiệp và tương lai của mình.

Ngoài ra, nhân viên tại Samsung còn được tham gia các chương trình đào tạo khác để phát triển kỹ năng bản thân như chương trình đào tạo ngoại ngữ (tiếng Hàn và tiếng Anh) miễn phí, chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tin học.

CMCN 4.0 đang hiện hữu ngay trước mắt, nhìn nhận thấu đáo tầm quan trọng của bình đẳng giới và nỗ lực thực hiện các chính sách phúc lợi cho các đối tượng yếu thế là minh chứng cho cam kết của Samsung nhằm chung tay với xã hội để giải quyết các thách thức trong bình đẳng giới đối với lao động nữ tại Việt Nam.

Diễn đàn Đa phương 2019 với chủ đề “Nâng cao quyền năng của Phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0” vừa được Samsung phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức vào ngày 15 tháng 10 năm 2019.

Đây chính là sự kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, để cùng góp phần giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới cũng như xóa bỏ định kiến giới, tạo cơ hội cho phụ nữ khẳng định tiếng nói và vị thế của mình trong bối cảnh CMCN 4.0.

V.T