Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 4 lý do khiến BHXH tự nguyện không phát triển

(Dân trí) - “Chính sách BHXH tự nguyện chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Đây là các chế độ dài hạn, thời gian đóng tới 20 năm để được hưởng lương hưu hàng tháng. Điều này đã tạo nên tạo tâm lý không muốn tham gia, bởi không thấy được những lợi ích trước mắt…”

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về nội dung các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, năm 2030, số nông dân và lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động. Trong khi đó, cả nước hiện có 270.000 người tham gia bảo BHXH tự nguyện, chiếm gần 0,8% số người chưa tham gia BHXH. Đây là câu hỏi lớn cần nhiều giải pháp đồng bộ để tạo sự đột phá trong chính sách BHXH tự nguyện.

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung đặt câu hỏi:

“Số liệu thống kê hiện nay có khoảng 270.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tổng số khoảng 34 triệu người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội chiếm tỷ lệ rất thấp 0,79%. Vậy theo Bộ trưởng, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên.

Vậy, thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp nào để tăng số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 4 lý do khiến BHXH tự nguyện không phát triển - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời vấn đề này như sau:

Về thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thấp thời gian qua được thể hiện ở 4 nguyên nhân chính, như sau:

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện để giúp người dân hiểu biết đầy đủ về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện còn rất hạn chế và chưa hiệu quả.

Theo đó, cơ quan chức năng chưa có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào chính sách này. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, vẫn còn tới trên 70% số người được hỏi là chưa biết tới chính sách BHXH.

Về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, lao động nông thôn với đặc điểm mặt bằng thu nhập bình quân thấp, không ổn định, điều kiện kinh tế còn hạn chế dẫn tới những khó khăn trong việc tham gia.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận của người dân với chính sách thông qua cơ quan BHXH và các tổ chức đại lý thu BHXH ở xã, phường, thôn, bản, khu dân cư vẫn còn những rào cản ở các khâu quy trình, thủ tục, hồ sơ, chưa đảm bảo sự linh hoạt và thuận tiện trong tham gia và thụ hưởng BHXH.

Cuối cùng, một số hạn chế về mặt chính sách như chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện chậm được triển khai và với mức hỗ trợ còn khiêm tốn (từ ngày 01/01/2018, Chính phủ thực hiện hỗ trợ cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện với tỷ lệ hỗ trợ 10% trên mức đóng tối thiểu, riêng đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ với tỷ lệ cao hơn tương ứng là 30% và 25%).

Chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất, đây là hai chế độ dài hạn với điều kiện về thời gian đóng góp kéo dài. Cần tới 20 năm đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng nên tạo tâm lý không muốn tham gia khi không thấy được những lợi ích trước mắt.

Về giải pháp tăng số lượng người lao động tham gia BHXH tự nguyện nói riêng và tham gia BHXH nói chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết:

- Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, nâng cao tính hiệu quả trong công tác tuyên truyên, tập trung vào đối tượng là người lao động, người dân để họ được hiểu, được biết đầy đủ về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện; thực hiện tốt công tác vận động chính sách thông qua vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Phát huy vai trò của cá nhân những người có uy tín như già làng, trưởng bản, tổ trưởng dân phố, khu dân cư...

Đồng thời, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH vào tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi địa phương để từ đó thúc đẩy việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện chính sách BHXH.

Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định tiền lương và thu nhập của người lao động; tạo sự dịch chuyển lao động khu vực từ phi chính thức sang khu vực chính thức.

Cần đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện, chuyển đổi tác phong phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật...

Phan Minh